Chiến tranh thế giới thứ nhất, còn được gọi là Đại chiến thế giới lần thứ nhất, Đệ Nhất thế chiến hay Thế chiến 1, diễn ra từ 28 tháng 7 năm 1914 đến 11 tháng 11 năm 1918, là một trong những cuộc chiến tranh quyết liệt, quy mô to lớn nhất trong lịch sử nhân loại; về quy mô và sự khốc liệt nó chỉ đứng sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Cuộc chiến tranh này là một trong những sự kiện lịch sử có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử thế giới.[1] Đây là cuộc chiến tranh có chiến trường chính bao trùm khắp châu Âu và ảnh hưởng ra toàn thế giới, lôi kéo tất cả các cường quốc châu Âu và Bắc Mỹ vào vòng chiến với số người chết trên 19 triệu người với sức tàn phá và ảnh hưởng về vật chất tinh thần cho nhân loại rất sâu sắc và lâu dài. Khác với các cuộc chiến tranh trước đó, người Âu châu phải chiến đấu cả trên chiến trường lẫn ở hậu phương. Phụ nữ phải làm việc thay nam giới, đồng thời sự phát triển của kỹ nghệ cũng có ảnh hưởng đến tính chất chiến tranh; có thể thấy sự hiệu quả của không quân và xe tăng trong chiến đấu kể từ cuộc Đại chiến này.[2][7]Chiến tranh chiến hào gắn liền với cuộc Đại chiến thế giới lần thứ nhất trong thời gian đầu của nó.[8]
Đây là cuộc chiến giữa phe Hiệp Ước (chủ yếu là Anh, Pháp, Nga, và sau đó là Hoa Kỳ, Brasil) và phe Liên Minh (chủ yếu là Đức, Áo-Hung, Bulgaria và Ottoman). Cuộc Đại chiến mở đầu với sự kiện Hoàng thái tử Áo-Hung bị ám sát, dẫn đến việc người Áo - Hung tuyên chiến với Serbia.[9][10] Sự kiện này được nối tiếp bởi việc Hoàng đế Đức là Wilhelm II truyền lệnh cho các tướng xua quân tấn công Bỉ, Luxembourg, và Pháp, theo kế hoạch schlieffen.[11] Hơn 70 triệu quân nhân được huy động ra trận tiền, trong số đó có 60 triệu người Âu châu, trong một trong những cuộc chiến tranh lớn nhất trong sử sách.[12][13] Trong cuộc chiến tranh kinh hoàng này, Pháp là nước chịu tổn thất nặng nề hơn cả và hoàn toàn bị khánh kiệt, dẫn tới đại bại của bọn họ trong các cuộc chiến tranh về sau.[14][15] Những trận đánh khốc liệt nhất trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất cũng diễn ra trên đất Pháp.[16] Một trận đánh đáng nhớ của cuộc Đại chiến là tại Verdun cùng năm đó, khi quân Đức tấn công thành cổ Verdun của Pháp, nhưng không thành công.[17] Tuy nhiên, trận chiến đẫm máu nhất là tại sông Somme (1916), khi liên quân Anh - Pháp đánh bất phân thắng bại với quân Đức.[18], trong khi chiến dịch quân sự lớn nhất là Cuộc tổng tấn công của Brusilov, khi quân Nga đánh bại liên quân Áo-Hung và Đức.
Tất cả những Đế quốc quân chủ (trừ Đế quốc Anh) đều sụp đổ trong cuộc chiến tranh này. Đảng Bolshevik lên nắm quyền tại nước Nga sau cuộc cách mạng tháng Mười lật đổ Nga hoàng, trong khi việc Đức bại trận lại tạo điều kiện cho Đức Quốc xã lên nắm quyền tại Đức nhờ biết khai thác tâm lý bất mãn của người dân.[1] Tuy nước Đức thua cuộc nhưng về thương mại và công nghiệp họ không bị tổn hại gì lớn (ít ra vẫn hơn hẳn Pháp[3]), vì thế về những mặt này họ đã chiến thắng cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.[19]
Không có một nước châu Âu nào thật sự chiến thắng cuộc chiến tranh này, tất cả đều chịu tổn hại nặng nề về người và của. Sau chiến tranh, châu Âu lâm vào tình trạng khủng hoảng và những cao trào dân tộc chủ nghĩa trỗi dậy ở các nước bại trận.[1] Điển hình là ở Thổ Nhĩ Kỳ, bão táp phong trào Cách mạng Giải phóng Dân tộc rầm rộ, đưa dân tộc này dần dần hồi phục, và buộc phe Entente phải xóa bỏ những điều khoản khắc nghiệt sau khi cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất chấm dứt.[20][21] Nước duy nhất không bị tàn phá mà còn thu được lợi nhuận lớn từ cuộc chiến này là Hoa Kỳ, nó đã tạo điều kiện cho nước này vượt trên các nước châu Âu về kinh tế kể từ sau cuộc chiến.
Trước đây ở các nước nói tiếng Anh dùng từ "Đại chiến" (Great War). Vài thập kỷ sau, tên gọi Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (World War I) mới được áp dụng để phân biệt với cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai.[22] Đương thời, nó còn được gọi với cái tên "Cuộc chiến tranh chấm dứt mọi cuộc chiến tranh" (The war to end all wars) bới quy mô và sự tàn phá khủng khiếp nó gây ra.[23] Chính những vấn đề liên quan tới Hiệp định Versailles (1918) đã khiến cho cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ.[24]
Đây là một cuộc chiến để lập lại trật tự thế giới mới, nó làm sụp đổ bốn đế chế hùng mạnh của châu Âu và thế giới lúc đó là Đế quốc Nga, Đế chế Đức, Đế quốc Áo-Hung và Đế quốc Ottoman, làm thay đổi sâu sắc bộ mặt của châu Âu và thế giới. Tuy nhiên mặc dù là cuộc chiến đẫm máu và khốc liệt như vậy nhưng cuộc chiến này đã không giải quyết được các mâu thuẫn gốc rễ và "thế giới mới" mà nó tạo ra còn đặt châu Âu và thế giới trước các vấn đề và mâu thuẫn khác còn trầm trọng hơn như phát sinh nhà nước theo chủ nghĩa cộng sản tại Nga, chủ nghĩa quân phiệt và chủ nghĩa phát xít tại Ý, Đức và Nhật, sự chia cắt, xâm phạm quyền tự quyết của các dân tộc... Những vấn đề đó sẽ dẫn đến bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ hai. Đó là lý do một số nhà nghiên cứu cho rằng Chiến tranh thế giới thứ hai chỉ là sự nối tiếp của Chiến tranh thế giới thứ nhất sau gần 20 năm tạm nghỉ lấy sức.
Chiến tranh thế giới thứ nhất xảy ra giữa hai khối liên minh quân sự được hình thành sau thế kỷ XIX: một bên là liên minh ba đế quốc Anh - Pháp - Nga, hay được gọi là khối Hiệp ước Entente ba bên (trong tiếng Pháp entente có nghĩa là sự đồng thuận, hiệp ước) sau này còn thêm Hoa Kỳ và một số nước khác tham gia; bên kia là phe Liên minh Trung tâm (Central Powers, hay còn gọi là Liên minh ba nước) gồm Đức, Áo – Hung và Ý. Tuy nhiên sau đó Ý chiến đấu bên phía Entente ba bên nhưng Liên minh Trung tâm lại có thêm đồng minh là Đế quốc Ottoman và Bulgaria. Trong khi vai trò của các đồng minh chính trong Entente ba bên khá đồng đều trong việc gánh vác sức nặng chiến tranh thì ở bên phía Liên minh Trung tâm vai trò các đồng minh chính là mờ nhạt hơn, chỉ Đức có vai trò trụ cột vì thực tế mâu thuẫn chủ yếu gây nên chiến tranh là gắn liền với tham vọng chính trị kinh tế của đế quốc Đức lúc đó. Lúc bấy giờ, hai cường quốc quân sự hùng mạnh nhất của châu Âu là Đức và Anh.[25]
Về khía cạnh chính trị – quân sự đây là lần đầu tiên thế giới biết đến một kiểu chiến tranh tổng lực, chiến tranh toàn diện. Chiến tranh diễn ra không những ác liệt trên bộ, trên không, trên biển mà các bên thực hiện bao vây bóp nghẹt kinh tế của nhau, đánh vào ý chí và bản lĩnh chịu đựng của dân tộc, thử thách tiềm lực kinh tế và sức mạnh tinh thần của đối phương. Các cường quốc như Đế quốc Nga, Đế quốc Áo-Hung và Đế quốc Đức đã thất bại và sụp đổ dù quân đội của họ vẫn còn hiện hữu (đặc biệt quân đội Đức vẫn còn đang trên đất đối phương, và quân địch còn chưa xâm phạm tới lãnh thổ của họ). Các nước này đã thua trận vì xã hội kiệt sức, không thể kham nổi chiến tranh – một kiểu chiến tranh tiêu hao với cường độ cực cao, khiến chính phủ của họ bị các lực lượng trong nước lật đổ.
Chiến tranh thế giới thứ nhất diễn ra theo một kiểu chiến lược chiến tranh hiện đại. Trước đây châu Âu đã từng có các cuộc chiến theo liên minh nhiều nước như Chiến tranh Kế vị Tây Ban Nha, Chiến tranh Kế vị Áo, Chiến tranh Bảy năm, Chiến tranh Napoléon, v.v... Nhưng những cuộc chiến đó có kết quả chiến tranh phụ thuộc vào một hoặc vài trận đánh lớn có tính quyết định diễn ra trong 1–2 ngày tại một điểm quyết chiến hoặc một vài chiến dịch trong vài tuần hoặc một vài tháng, các hoạt động chiến sự xen kẽ với hoà bình. Kết cục chiến tranh không triệt để: thua trận thì ký hoà ước nhượng bộ, chờ vài năm hồi phục tiềm lực rồi lại tham chiến tiếp (điển hình như các cuộc chiến thời Napoléon I). Các cuộc chiến đó phụ thuộc rất nhiều, nếu không nói là phần lớn, vào tài thao lược của nhà cầm quân. Còn từ nay, kể từ Thế chiến I, lần đầu tiên nhân loại chứng kiến một kiểu chiến tranh lâu dài, quy mô, huỷ diệt. Chiến sự dàn trải trên khắp chiến trường, khắp cả châu lục. Vai trò cá nhân của thống soái trong chiến tranh bị hạn chế mà tiềm lực kinh tế và ý chí, sức mạnh tinh thần của quốc gia nổi lên là yếu tố quyết định.
Trên chiến trường về khía cạnh thuần tuý quân sự đây là một cuộc chiến tranh đã có các đặc trưng hiện đại: quân đội là quân đội đông đảo. Lần đầu tiên trên thế giới chiến tranh theo chiến thuật đội hình tản mát không còn các khối quân lực xếp hàng tấn công và phòng thủ theo đội hình ô vuông dày đặc rất đặc trưng của mọi cuộc chiến tranh trước đây. Cuộc chiến tranh này đặc trưng áp đảo bởi hình thức chiến tranh trận địa mà điển hình nhất là hệ thống chiến hào trở thành phương tiện phòng thủ chính yếu, thành quách pháo đài đã không còn vai trò phòng ngự quan trọng nữa. Các bên phòng thủ trong chiến hào với hệ thống ụ súng máy, dây thép gai, bãi mìn và trận địa pháo dày đặc với chiến tuyến ngăn đôi giữa hai phía đối địch. Chiến tranh trận địa hay chiến tranh chiến hào ở thời kỳ đó thường có tính chất là rất khó tấn công và rất dễ phòng thủ nên chiến tranh có diễn biến chậm chạp ít năng động ít có các chiến thắng quân sự dứt khoát. Kết cục chiến tranh phụ thuộc vào sự chịu đựng dẻo dai của các bên đối kháng đối với gánh nặng chiến tranh tiêu hao tổng lực.
Trong lực lượng Hiệp Ước, Anh-Pháp và Nga chia sẻ gánh nặng chiến tranh tương đối đồng đều trong khi phe Liên Minh chỉ có thể trông cậy vào nước Đức là chủ yếu.
Nguyên nhân, bản chất chiến tranh[sửa | sửa mã nguồn]
Nguyên nhân trực tiếp[sửa | sửa mã nguồn]
- Xem bài chính: Vụ ám sát thái tử Áo-Hung.
Sự việc Đại công tước (tiếng Đức: Erzherzog, tiếng Anh: Archduke) Franz Ferdinand của Áo – Hung bị một phần tử dân tộc chủ nghĩa người Serbia tên là Gavrilo Princip ám sát tại Sarajevo vào ngày 28 tháng 6 năm 1914 được coi là khởi nguồn của cuộc thế chiến này, nhưng thực ra đó chỉ là "giọt nước tràn ly". Vụ ám sát thái tử Áo-Hung chỉ là cái cớ để các bên chính thức khai chiến sau một thời gian dài chạy đua vũ trang nhằm chuẩn bị chiến tranh. Chiến tranh là "phải nổ ra" do mâu thuẫn giữa các quốc gia ở châu Âu đã chín muồi, các bên tham chiến từ trước đó khá lâu đã có các mâu thuẫn đối kháng với nhau, và muốn triệt hạ nhau bằng quân sự để phân chia lại thế giới.
Nguyên nhân và bản chất của chiến tranh này là rất phức tạp, đa diện, nhưng có thể được tổng kết như sau:
Chủ nghĩa đế quốc và sự tranh giành thuộc địa[sửa | sửa mã nguồn]
Lenin và những người Bolshevik, cùng một phần lớn những người xã hội chủ nghĩa của châu Âu phân tích có cơ sở rằng chiến tranh là mâu thuẫn của sự phát triển của các nước chủ nghĩa đế quốc cầm đầu ở châu Âu và chiến tranh có tính chất chiến tranh đế quốc: đó là cuộc chiến nhằm tranh giành, phân chia lại thuộc địa giữa các nước đế quốc, là cuộc chiến tranh phi nghĩa đối với tất cả các phe tham chiến.
Theo phân tích của Lenin, nguyên nhân chiến tranh bắt nguồn ngay từ giữa thế kỷ 16: ở thời điểm này, các nước châu Âu bắt đầu hình thành chủ nghĩa tư bản. Để tìm kiếm tài nguyên và lợi nhuận, các nước thực dân châu Âu bắt đầu bành trướng lãnh thổ, đem quân xâm chiếm các nước châu Á, châu Phi để biến các nước này thành thuộc địa. Đến cuối thế kỷ 19, về cơ bản thì tất cả châu Á, châu Phi đã bị biến thành thuộc địa. Nhưng sự phân chia thuộc địa giữa các nước châu Âu là rất không đồng đều. Anh-Pháp là 2 nước đã xâm chiếm thuộc địa từ khá sớm nên chiếm được rất nhiều thuộc địa, trong khi các nước châu Âu khác thì chiếm được ít hơn nhiều.
Đến cuối thế kỷ 19, sự lớn mạnh của Đế quốc Đức sau Chiến tranh Pháp-Phổ đã đẩy mạnh những tham vọng chiếm lĩnh thuộc địa và chia lại thị trường thế giới của nước này. Trong cuộc chạy đua giành giật thuộc địa, Đức là nước hiếu chiến nhất do có nền công nghiệp phát triển, nhưng lại ít thuộc địa (tức là sẽ có ít tài nguyên và thị trường tiêu thụ). Năm 1913, tổng diện tích các thuộc địa của Đức là 2,9 triệu km2, trong khi nước Anh có tới 34 triệu km2, Pháp có gần 13 triệu km2. Nhưng tham vọng của Đức gặp phải sự phản kháng của các nước "đế quốc già" là nước Anh, Pháp và Nga. Các "đế quốc già" này về cơ bản đã chiếm lĩnh gần hết những thuộc địa bao la khắp thế giới và muốn duy trì quyền thống trị của mình, không muốn "chia phần" cho những thế lực mới nổi như Đức. Đế quốc Áo–Hung và Đế quốc Ottoman từ lâu đã suy yếu, nhưng vẫn muốn có đủ "tư cách" và vai trò để tranh giành ảnh hưởng trong khu vực Trung Âu, Balkan và Kavkaz. Các cường quốc khác can thiệp vào khu vực đó để tranh giành ảnh hưởng với nhau...
Do có cùng mục tiêu tranh giành thuộc địa với Anh-Pháp, nước Đức đã cùng Áo - Hung, Italia thành lập “phe Liên Minh” vào năm 1882 để chuẩn bị chiến tranh chia lại thế giới. Để đối phó, Anh đã ký với Nga và Pháp những Hiệp ước tay đôi hình thành phe Hiệp ước (đầu thế kỷ XX). Từ đó, ở châu Âu đã hình thành 2 khối quân sự đối đầu nhau. Hai bên ra sức chạy đua vũ trang, chuẩn bị cho chiến tranh. Một cuộc chiến tranh đế quốc nhằm phân chia thuộc địa trên thế giới không thể tránh khỏi.
Sự mâu thuẫn mang tính chất đế quốc chủ nghĩa đòi hỏi một cuộc "chém giết lớn" để phân định lại ngôi thứ và lập lại trật tự thế giới, theo đó các thế lực mới nổi (đứng đầu là Đế quốc Đức) mong muốn đánh bại các thế lực cũ (Anh, Pháp và Nga) để chiếm lấy thuộc địa của kẻ thua.
Mặt khác, việc phát động chiến tranh của các nước đế quốc còn nhằm đối phó với những bất ổn trong nội bộ quốc gia. Đầu thế kỷ XX, phần lớn giai cấp lao động ở các nước bị bóc lột nặng nề, đời sống rất khốn khó (công nhân thường xuyên phải làm việc 12 giờ/ngày, đồng lương lại thấp, việc sa thải diễn ra bừa bãi, trẻ em 12 tuổi đã phải đi làm công nhân phụ giúp cha mẹ...). Sự áp bức đó tạo ra mâu thuẫn gay gắt giữa người lao động với chủ tư bản, nhiều quốc gia đã tiềm ẩn phong trào cách mạng (đặc biệt là ở Nga, Đức và Áo-Hung). Việc phát động chiến tranh sẽ kích thích tinh thần ái quốc của người dân, làm họ quên đi các vấn đề trong nước và xoa dịu mâu thuẫn trong lòng các nước đế quốc.
Liên minh quân sự, chạy đua vũ trang, quân phiệt[sửa | sửa mã nguồn]
Từ nguyên nhân mâu thuẫn lợi ích, sự thèm muốn tranh giành thuộc địa đã dẫn tới một nhóm nguyên nhân khác cũng được các nhà nghiên cứu chỉ ra, là hệ thống các liên minh quân sự, sự chạy đua vũ trang và chủ nghĩa quân phiệt của các đế chế:
- Liên minh quân sự theo khối: Trong các mâu thuẫn và tương đồng quyền lợi, các quốc gia tìm kiếm lôi kéo các nước có cùng lợi ích để thành lập các hiệp ước liên minh quân sự để tăng cường thế lực, bành trướng ảnh hưởng. Việc này làm cho tình hình thế giới càng trở nên cực kỳ căng thẳng vì bất cứ một xung đột quốc gia nào đều có thể trở thành xung đột quốc tế, điều này là rất điển hình cho Thế chiến I. Và thực tế cho thấy từ một sự kiện ám sát có tính dân tộc trong một Đế chế Áo – Hung, mâu thuẫn đã được cộng hưởng, khuếch đại và trở thành chiến tranh thế giới.
- Chạy đua vũ trang: điển hình là trước thế chiến Anh Quốc cho hạ thuỷ lớp chiến diệt hạm Dreadnought với các tính năng chiến đấu cách mạng trên biển, tạo nên chạy đua vũ trang quyết liệt giữa Anh Quốc và Đức. Việc các quốc gia chạy đua vũ trang để duy trì và giành ưu thế quân sự trên bộ và trên biển dẫn đến sự phản ứng tương ứng của phía đối địch. Kết quả là cả hai phe đều cảm thấy bị đe doạ từ phía bên kia và lại càng chạy đua vũ trang và lại bị đe doạ ở mức độ mới cao hơn. Đây cũng là một nguyên nhân gây nên chiến tranh.
- Chủ nghĩa quân phiệt: tại các quốc gia quân chủ chuyên chế như Đế quốc Nga, Đế chế Đức, Đế quốc Áo – Hung và Đế quốc Ottoman và cả ở các quốc gia khác thì tầng lớp quân nhân, tướng lĩnh có một thế lực và ảnh hưởng rất lớn. Họ không hề bị kiểm soát bởi các thiết chế dân chủ, lại rất gần gũi Hoàng đế và luôn có xu hướng hiếu chiến và tinh thần ái quốc mãnh liệt của chủ nghĩa Sôvanh (chauvinism).
Chủ nghĩa dân tộc[sửa | sửa mã nguồn]
Sau thế kỷ XIX tại châu Âu khi những giá trị tự do cá nhân và quyền tự quyết của cá nhân được nhận thức thì hiển nhiên nhận thức về quyền dân tộc tự quyết của các dân tộc đang bị điều khiển bởi các dân tộc cường quốc sẽ trỗi dậy và gặp phải sự ngăn trở của các dân tộc khác. Sự thức tỉnh tình cảm dân tộc thường đi kèm với chủ nghĩa xô-vanh và trên con đường tìm vị thế của mình các dân tộc nhỏ thường tìm sự bảo trợ của các đồng minh lớn để chống lại các kẻ thù cận kề. Điều đó dẫn đến các xung đột được tích luỹ và chiến tranh là cách giải toả cuối cùng.
Chủ nghĩa dân tộc là nguyên nhân chính của vụ ám sát hoàng tử Áo-Hung tại Bosnia. Đế quốc Nga và Đế chế Ottoman đã đi đến chiến tranh tại Balkan năm 1878. Sau cuộc chiến, Nga có ảnh hưởng lớn ở Balkan. Áo-Hung lại điều khiển chính phủ ở Bosnia và năm 1908 thì gạt Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi đây, nắm toàn bộ ảnh hưởng ở Bosnia. Nga vận động các nước còn lại trên bán đảo Balkan lập ra Liên minh Balkan hi vọng khối này sẽ đẩy lùi Áo-Hung. Nhưng do những mâu thuẫn trước kia đối với Đế chế Ottoman, khối này đã không chống lại Áo-Hung mà gây Chiến tranh Balkan lần thứ nhất năm 1912-1913 với Thổ Nhĩ Kỳ. Song do sự phân chia quyền lợi không đều, Chiến tranh Balkan lần thứ hai năm 1913 lại bùng phát, và Bulgaria là nước bại trận. Đến năm 1914, Thổ Nhĩ Kỳ gần như chỉ có một ít ảnh hưởng ở bán đảo này, chủ yếu ở Albania. Áo-Hung lại trở thành kẻ thù lớn của Liên minh Balkan. Serbia, nước theo chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ nhất tại Balkan lúc này đã vận động chủ nghĩa dân tộc Bosnia là nước có chung đường biên giới với Serbia để đánh đuổi Áo-Hung ra khỏi Balkan. Một phần tử được trợ giúp bởi tổ chức dân tộc Bàn tay đen của Serbia đã ám sát hoàng tử Áo-Hung vào 28 tháng 6 năm 1914. Sau đó, Áo-Hung đe dọa Serbia và một tháng sau, Áo-Hung tuyên bố chiến tranh với Serbia vào ngày 28 tháng 7 năm 1914.
Chiến tranh là tất yếu?[sửa | sửa mã nguồn]
Trong các học giả thế giới khi đề cập nguyên nhân chiến tranh có xuất hiện câu hỏi: Liệu có thể tránh được cuộc chiến tranh này không? Với những nguyên nhân khách quan và chủ quan như vậy thì ở tầm quốc tế và lịch sử nhân loại có thể nói: với trình độ giác ngộ chính trị của nhân loại vào đầu thế kỷ XX, khi tư duy chính trị vẫn là tư duy nước lớn, tư duy đế quốc chủ nghĩa, khi cách tiếp cận các vấn đề quốc tế luôn theo nguyên tắc "tối đa quyền lợi cho mình, tối thiểu cho đối phương" thì Chiến tranh thế giới thứ nhất là "phải xảy ra và không thể tránh được". Cuộc chiến này sẽ cùng với Chiến tranh thế giới thứ hai sẽ tập cho nhân loại phải suy nghĩ theo kiểu tư duy mới là "cùng tồn tại hoà bình, các bên cùng có lợi". Để nhận thức được như vậy nhân loại phải trả giá gần trăm triệu mạng người trong hai cuộc đại chiến và các cuộc chiến khác trong thế kỷ XX. Đó là bài học chính trị quý giá nhất của đại chiến mà nhiều khi nơi này hay nơi khác bài học đó vẫn còn bị "lãng quên".
Các quan tâm quyền lợi[sửa | sửa mã nguồn]
Các nước tham chiến[sửa | sửa mã nguồn]
- Anh: Chặn đứng tham vọng tranh giành thuộc địa, chia lại thị trường của Đế chế Đức. Ngăn cản ảnh hưởng của nước này, cố gắng giới hạn Đức trong phạm vi châu Âu không để nước này thành cường quốc đại dương đe dọa quyền lợi thương mại thuộc địa của mình. Hạ cấp Đế quốc Ottoman và Đế quốc Áo - Hung xuống thành những cường quốc hạng hai để chiếm lĩnh quyền lợi tại khu vực Trung Cận Đông rất nhiều dầu mỏ.
- Pháp: Cũng giống như Anh nhưng ngoài ra còn để phục thù Chiến tranh Pháp – Phổ (1871) quyết giành lại hai tỉnh Alsace và Lorraine từ Đức. Hạ bậc Đế quốc Đức để trừ mối hoạ sau này (sau chiến tranh phía Pháp đề nghị trong Hội nghị Versailles một hình thức bồi thường chiến phí khủng khiếp để Đức không bao giờ ngóc đầu dậy được).
- Nga: Loại bỏ sự can thiệp và ảnh hưởng của Đức tại Ba Lan, Ukraina và vùng Baltic, loại bỏ sự cản trở của Đế quốc Ottoman khỏi các vùng Kavkaz và Balkans và loại bỏ sự xuất hiện của Áo-Hung tại Balkan. Xâm chiếm các vùng ảnh hưởng của Ottoman và Áo-Hung.
- Đức: Thoát khỏi sự kiềm tỏa của Anh-Pháp, đòi hỏi một thị trường, thuộc địa tương xứng với tiềm lực cường quốc thế giới của mình. Mở rộng vùng ảnh hưởng của mình về phía Đông tại Ba Lan, Ukraina, Baltic, sau đó là Phần Lan.
- Áo – Hung: Nỗ lực cuối cùng chứng tỏ mình còn là một cường quốc, cố giữ lại những gì còn giữ được trước sự nhòm ngó của các cường quốc khác. Hai địch thủ trước mắt của Áo – Hung là Nga và Ý.
- Ý: Một cường quốc đang lên nhưng chưa định hình, muốn có một vai trò và tiếng nói lớn hơn ở châu Âu và đặc biệt tại Balkans. Trở lực chính của nước này đầu tiên là Anh sau đó định hướng lại chĩa mũi nhọn đấu tranh vào Áo – Hung.
- Ottoman: Đây là một đế chế lâu đời và lạc hậu ở Trung Cận Đông bị Anh, Pháp, Nga chèn ép ở Cận Đông (Anh, Pháp) và tại Kavkaz và Balkans (Nga). Đây là nỗ lực cuối cùng để duy trì đế chế.
- Nhật Bản: Cũng là một cường quốc đang lên. Sau chiến tranh Nga-Nhật, Nhật Bản trở thành cường quốc và có tham vọng được xâm chiếm cả Trung Quốc, gây ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Sau khi ký kết Hiệp ước Anh-Nhật năm 1902, Nhật Bản chĩa súng vào Đức và Áo-Hung.
Ngoài ra các đế quốc quân chủ Nga, Đức, Ottoman, Áo-Hung, Nhật Bản muốn dùng chiến thắng trong chiến tranh với tinh thần yêu nước dâng cao để trì hoãn cải cách dân chủ, xã hội trong nước.
Các nước đồng tham chiến khác[sửa | sửa mã nguồn]
- Hoa Kỳ: Giống như Ý và Nhật, Hoa Kỳ cũng là một cường quốc đang nổi. Hoa Kỳ muốn có ảnh hưởng lớn hơn trên thế giới, và yêu cầu các nước tôn trọng quyền lợi của Hoa Kỳ trên toàn cầu, trong đó có cả châu Âu, châu Á và châu Phi. Đức và Anh không ủng hộ lắm về việc này. Ban đầu Hoa Kỳ không tham chiến, chỉ đứng ngoài bán vũ khí thu lợi nhuận. Nhưng đến cuối năm 1917, nhận thấy nếu Đức thắng lợi thì các quyền lợi của Hoa Kỳ ở châu Âu sẽ bị đe dọa, nước này quyết định tham chiến cùng Anh và Pháp.
- Brazil: Từng là một đế quốc, song Brazil vẫn không từ bỏ tham vọng được gây ảnh hưởng trên thế giới. Brazil đã có ý định can thiệp vào chiến tranh từ năm 1914, nhưng phải chờ khi Hoa Kỳ tuyên chiến, thì Brazil mới vào cuộc.
- Romania: Là một quốc gia được Nga giải phóng khổi ách cai trị của người Thổ, Romania có tham vọng được tham chiến cùng Nga trong chiến tranh. Romania muốn có ảnh hưởng ở vùng Transilvania vốn đang bị kiểm soát bởi Áo-Hung và gây ảnh hưởng lên các nước Balkan khác. Romania còn muốn giành lấy vùng Wallachia khỏi tay người Áo-Hung.
- Bulgaria: Là nước mạnh nhất vùng Balkan. Bulgaria nung nấu tham vọng phục thù sau chiến tranh Balkan lần 2 bằng việc đòi lại quyền lợi ở Macedonia và bán đảo Tiểu Á.
- Hy Lạp: Muốn chiếm lại những vùng đất đã mất dưới tay người Thổ. Chiếm đảo Síp và chiếm lại cố đô Constantinople.
- Bồ Đào Nha: Theo Anh, không muốn chia thị trường cho Đức.
- Bỉ: Có quyền lợi giống như Anh, nhưng do lãnh thổ nhỏ và dân số ít nên chấp nhận trung lập. Song sau khi Đức xâm lược Bỉ, nên Bỉ tuyên chiến. Ngoài ra Bỉ còn muốn giành lấy phần còn lại của vùng Wallonie khỏi tay người Đức.
- Serbia: Là nước mang nặng chủ nghĩa dân tộc nhất vùng Balkan. Serbia muốn chiếm toàn bộ Balkan, chủ yếu là Bosnia, Croatia và Slovenia khỏi tay Áo-Hung.
Các nước trung lập có liên quan[sửa | sửa mã nguồn]
- Tây Ban Nha: Là một cựu đế quốc đã suy yếu và khủng hoảng trầm trọng, thậm chí nặng hơn Nga, Tây Ban Nha đã vậy còn thua trận trong chiến tranh với Hoa Kỳ. Khi cận kề chiến tranh, vua Alfonso XIII đã quyết định trung lập. Tuy vậy, Tây Ban Nha dường như khá ủng hộ Đức để phục thù Anh và Hoa Kỳ, những nước có mâu thuẫn gay gắt với Tây Ban Nha trong lịch sử.
- México: Là quốc gia có biên giới chung với Hoa Kỳ. Sau chiến tranh Hoa Kỳ-México, México đã bị Hoa Kỳ cướp mất một phần lãnh thổ lớn ở phía Bắc mà ngày nay đã sáp nhập vào Hoa Kỳ. México có tham vọng trả thù Hoa Kỳ nên đã dẫn đến xung đột. Tuy nhiên, cuộc Cách mạng Mexico đã khiến Mexico lục đục, dẫn đến hai phe phái thân Mỹ-Anh và thân Đức, trong đó, Pancho Villa, một người theo chủ nghĩa dân tộc, đã ủng hộ Đức chống lại Hoa Kỳ trong khi phe chính phủ của Porfirio Díaz và sau đó là Victoriano Huerta thì ủng hộ Anh-Mỹ.
- Hà Lan: Là một đế quốc già và ốm yếu, nhưng Hà Lan đã tránh xung đột thành công với Đức và sau đó là Anh. Khi gần xảy ra xung đột giữa Anh và Đức, Hà Lan, bất chấp được Anh mời chào, vẫn tuyên bố trung lập.
- Thụy Điển: Giống Brazil, Thụy Điển là một cựu đế quốc, song lại thiếu tham vọng. Tuy nhiên, khi gần chiến tranh, Thụy Điển cũng tuyên bố trung lập, song thái độ của Thụy Điển, cùng với Tây Ban Nha, lại khá ủng hộ Đức vì một lý do: thù địch dai dẳng với Nga trong lịch sử, chủ yếu về lãnh thổ Phần Lan. Thụy Điển đã cho các tàu chiến và tàu ngầm Đức đóng quân tại các căn cứ hải quân của Thụy Điển.
- Đan Mạch: Khi Đức còn mang tên Phổ, Phổ đã đưa quân tấn công Đan Mạch và thắng lớn trong chiến tranh Schleswig. Từ đó, Đan Mạch liên tục thù hằn Phổ và sau đó là Đức, nên tuy tuyên bố trung lập, song Đan Mạch vẫn ngầm ủng hộ Anh. Thêm nữa là xích mích với Thụy Điển cũng khiến Đan Mạch thêm thù địch với Đức.
- Na Uy: Là một vương quốc độc lập nhưng lệ thuộc Thụy Điển, Na Uy tỏ ra ủng hộ Thụy Điển hơn so với các nước khác. Khi xảy ra nguy cơ chiến tranh, Na Uy và Thụy Điển tuyên bố trung lập, nhưng ủng hộ Đức.
- Ba Tư: Ba Tư, dưới sự lãnh đạo của triều đại Pahlavi, đã liên tục bị châu Âu chèn ép. Tuy nhiên, triều đình ở đây lại bị chính phủ Thụy Điển, một nước thân Đức, khống chế. Ba Tư muốn đòi lại quyền lợi chính đáng, song do bị Thụy Điển kiểm soát nên liên tục gặp khó khăn.
Chiến tranh thế giới thứ nhất diễn ra chủ yếu trên 3 chiến trường chính: Mặt trận phía Tây, Mặt trận phía Đông và Mặt trận phía Nam. Trong đó mặt trận phía Tây giữa liên quân Pháp – Anh chống lại quân Đức có vai trò chính yếu quyết định số phận chiến tranh vì ở đây tập trung binh lực lớn nhất có chất lượng cao nhất của cả hai phía. Mặt trận phía Đông là chiến trường giữa quân Nga chống Đức và Áo – Hung, mặt trận này có quy mô và tầm quan trọng không bằng mặt trận phía Tây và quân Nga thường thất bại trước quân Đức nhưng luôn làm quân đội Đức, Áo phải chiến đấu trên hai mặt trận không thể huy động tổng lực lực lượng khả dĩ cho một chiến thắng quyết định trong chiến tranh. Mặt trận phía Nam có tầm quan trọng thấp chủ yếu với một lực lượng quân đội nhỏ bé và chỉ có ý nghĩa khu vực. Mặt trận phía Nam lại phân nhỏ thành các chiến trường: Mặt trận Ý-Áo – đối chọi của quân Ý – Áo tại vùng biên giới hai nước; chiến trường Balkan: liên quân Đức, Áo – Hung, Bulgaria chống Serbia và về sau có trợ giúp của Anh, Pháp cho Serbia; chiến trường Trung Cận Đông: Liên quân Anh, Pháp chủ yếu là Anh chống Ottoman; chiến trường Kavkaz: Nga chống Ottoman.
1914: Đức phải chiến đấu trên hai mặt trận[sửa | sửa mã nguồn]
Kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của Đức bị phá vỡ:
Ngày 1 tháng 8 năm 1914 Đức tuyên chiến với Nga, ngày 3 tháng 8 với Pháp; ngày 4 tháng 8 Anh tuyên chiến với Đức và đổ bộ vào lục địa. Chiến tranh lớn đã nổ ra.
Mặt trận phía Tây[sửa | sửa mã nguồn]
Ngày 2 tháng 8 năm 1914 quân Đức chiếm Luxembourg và hai ngày sau tràn vào Bỉ, vi phạm tình trạng trung lập của nước này để lấy đường tiến vào miền bắc nước Pháp. Kế hoạch Schlieffen của bộ tổng chỉ huy Đức tính toán rằng bằng cuộc tấn công bất ngờ qua Bỉ đánh thẳng vào Bắc Pháp, là khu vực ít bố phòng, sẽ nhanh chóng loại nước này ra khỏi chiến tranh trước khi quân đội Nga kịp tổng động viên và tập hợp; sau khi đánh tan quân Pháp sẽ quay sang mặt trận phía Đông giải quyết quân Nga và kết thúc chiến tranh.
Kế hoạch này là quá sức với Đức: mặc dù quân Đức giành được lợi thế trong các trận đánh biên giới và tiến nhanh về phía Paris hòng tiêu diệt Pháp, và người Đức sắp sửa giành được chiến thắng quyết định chấm dứt chiến tranh. Nhưng khi đi sâu vào đất Pháp, lực lượng Đức dần bị dàn mỏng khiến các chỉ huy quân Đức bắt đầu mắc sai lầm. Thế rồi, trong trận sông Marne lần thứ nhất vào tháng 9 năm 1914 quân Đức đánh bất phân thắng bại với liên quân Pháp - Anh. Quân Đức phải lui binh về cố thủ, quân Pháp quá kiệt quệ nên không thể truy kích, nên cả hai đoàn quân không bên nào có thể giành thế thượng phong. Chiến tranh trên mặt trận phía Tây dần đi vào hình thức chiến tranh chiến hào (Stellungskrieg), và tình hình cứ thế trong suốt bốn năm chiến tranh.[26][27][28] Trận đánh kế tiếp tại Aisne còn khốc liệt hơn cả trận sông Marne, diễn ra từ ngày 13 cho đến ngày 28 tháng 9 năm 1914. Cả hai bên đều mất hàng chục ngàn binh sĩ, nhưng rồi đây vẫn là một trận chiến bất phân thắng bại.[29]
Mặt trận phía Đông[sửa | sửa mã nguồn]
Để giúp đồng minh đang khó khăn tại mặt trận Pháp – Bỉ, đầu tháng 9 năm 1914 quân đội Nga tổng tấn công trên 2 hướng: Galicia đối đầu với Áo-Hung và đặc biệt là tấn công rất nhanh, mạnh vào Đông Phổ thuộc Đức. Vào ngày 17 tháng 8 năm 1914, Quân đội Đức đánh thắng quân Nga trong trận đánh mở đầu tại Stallupönen - một chiến thắng có tầm quan trọng về chiến lược.[30] Các cuộc tấn công sau đó của quân Nga đã thắng lợi nhưng thiệt hại nặng về nhân mạng: đánh lui quân đội Đức trong trận Gumbinnen và quân đội Áo – Hung tại Galicia,[31] Đông Phổ có nguy cơ mất vào tay Nga.
Để cứu nguy cho tập đoàn quân số 8 của mình đang phòng thủ Đông Phổ, Đức phải điều bớt những lực lượng xung kích từ phía Tây sang Đông Phổ và kết quả là trong nửa cuối tháng 8, quân Đức do vị tướng Paul von Hindenburg chỉ huy đã đánh tan quân Nga ở trận Tannenberg,[32] Nga mất 30.000 lính và bị bắt 95.000 tù binh, phía Đức chỉ mất 3.436 người chết và 6.800 bị thương. Trận thắng này đã chặn đứng tập đoàn quân số 1 và bao vây tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn quân số 2 của phương diện quân Tây Bắc của Nga, tư lệnh tập đoàn quân số 2 là tướng Aleksandr Vassilievich Samsonov buộc phải tự sát, quân Nga bị đuổi khỏi Đông Phổ. Như một chiến thắng lớn của quân lực Đức trong suốt Đại chiến thứ nhất,[33] trận thắng tại Tannenberg có ảnh hưởng lớn đến tinh thần của dân tộc Đức, là trận đánh đáng ghi nhớ trong lòng toàn dân Đức thời đó.[34] Quân Đức cũng đánh bại quân Nga trong trận Lyck vài ngày sau đó.[32]
Tuy nhiên quân Áo–Hung lại để quân Nga đánh tan nát ở Trận Lemberg (1914). Quân đội Áo-Hung thất bại nặng nề với 300.000 thương vong và 130.000 người bị bắt làm tù binh, trong khi Nga bị tổn thất khoảng 240.000 người. Một số người Tiệp Khắc và người Slav không chịu chiến đấu cho quân đội Áo-Hung nên đã ra đầu hàng hàng loạt.[35] Kết thúc năm 1914 tại chiến trường Đông Âu, quân Nga chiếm lĩnh toàn bộ vùng phía đông của Galicia chạy dài tới chân núi Carpathian.[36] Người Nga suýt nữa đã tiến được đến bình nguyên Hungary vào cuối tháng 9 nhưng họ đã dừng tiến quân vì hậu cần gặp khó khăn và bị tổn thất nặng.[37]
Quân Nga rõ ràng chưa chuẩn bị tốt cho chiến tranh và trình độ sĩ quan và binh lính lạc hậu nên không thể chống lại các cuộc tấn công có tổ chức tốt của Đức, nhưng Đức lại phải chống chân cho Đế quốc Áo-Hung bị coi là "bất tài". Quân đội Nga phải chuyển sang phòng ngự. Quân Đức cũng không tấn công thêm, mặt trận phía Đông đi vào ổn định. Chỉ trong 1 năm 1915, hơn 1 triệu quân Nga bị liên quân Đức - Áo bắt giữ, nhưng hơn 1 triệu lính Áo-Hung và Đức cũng đã bị Nga bắt giữ làm tù binh.[38]
Như vậy Quân đội Đức đã phải bị động đánh nhau trên hai mặt trận và kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của nước này đã thất bại. Các bên tham chiến đi vào chiến tranh chiến hào. Thực chất, đây không phải là lần đầu tiên người Đức phải chiến đấu trên hai mặt trận: trong cuộc Chiến tranh Bảy Năm (1756 - 1763), Vương quốc Phổ dưới sự lãnh đạo tài tình của vua Friedrich II Đại Đế (1712 - 1786) cũng đã lâm vào tình trạng "lưỡng nan thọ địch" (người Phổ đã chiến thắng cuộc chiến tranh này).[39][40]
Diễn biến ở các chiến trường khác trong năm 1914[sửa | sửa mã nguồn]
Đế quốc Nhật Bản lợi dụng việc các cường quốc đang tham gia cuộc chiến tranh ở Châu Âu đã quyết định thực hiện kế hoạch bành trướng ở Viễn Đông. Ngày 15 tháng 8 1914 Nhật Bản gửi tối hậu thư cho Đức đòi nước này chuyển cho Nhật Bản vùng Giao Châu (Trung Quốc) và hạn cho Đức phải trả lời trong 8 ngày. Đức không trả lời tối hậu thư của Nhật Bản nên ngày 23 tháng 8 năm 1914 Nhật Bản tuyên chiến với Đức và nhanh chóng chiếm Giao Châu và tuyến đường sắt Thanh Đảo-Tế Nam (Trung Quốc) và một loạt hòn đảo là thuộc địa của Đế chế Đức tại Thái Bình Dương. Ngày 11 tháng 11 1914, Thanh Đảo, thuộc địa của Đức ở Trung Quốc, đầu hàng Nhật Bản sau 43 ngày bị bao vây. Sau những hoạt động quân sự này, Nhật Bản không có hoạt động nào khác tham gia Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.
Ngày 21 tháng 9 1914, quân Úc chiếm đóng New Guinea là thuộc địa của Đế chế Đức ở Thái Bình Dương. Ngày 5 tháng 11 1914, quân Đức chiến thắng quân Anh ở Đông Phi thuộc Đức (nay là Tanzania). Năm ấy, Sultan Ottoman là Mehmed V phản đối liên minh Đức - Ottoman. Nhưng rồi, theo lời khuyên của Bộ trưởng Chiến tranh Ismail Enver, Mehmed V với tư cách là Sultan kiêm Khalip phát động Thánh chiến (Jihad) chống phe Entente.[41]
1915 – 1916: Đức chủ động tấn công[sửa | sửa mã nguồn]
- Chiến tranh chiến hào trên các chiến trường:
Sau thất bại của kế hoạch năm 1914 nhằm loại Pháp ra khỏi vòng chiến, nước Đức đã rơi vào thế bị động: tiềm năng kinh tế quân sự không bằng liên minh Anh – Pháp – Nga mà lại thực tế phải một mình đối đầu trên hai mặt trận. Tình trạng này càng kéo dài thì càng bất lợi cho Đức. Để thoát thế kẹt trên hai mặt trận, năm 1915 Đức tấn công quy mô lớn ở phía Đông để loại Nga ra khỏi chiến tranh và năm 1916 tổng tấn công để loại Pháp nhưng đều không thành. Trong hai năm này đánh nhau rất to thương vong của hai bên là cực lớn nhất là năm 1916 tại mặt trận phía Tây.
Mặt trận phía Đông 1915 – 1916[sửa | sửa mã nguồn]
Năm 1915 nước Đức quyết định tập trung lực lượng loại Nga ra khỏi vòng chiến, xoá bỏ mặt trận phía Đông. Quân Đức trên mặt trận phía Tây chủ động chuyển sang phòng ngự trước liên quân Anh, Pháp và từ tháng 4 đến tháng 8 năm 1915 để dồn binh lực sang mặt trận phía Đông, đánh đòn tiêu diệt đối với quân đội Nga.
Sau gần 1 năm chiến tranh, điểm yếu của Nga lộ rõ: nền công nghiệp có quy mô nhỏ hơn so với Anh, Pháp và Đức, do vậy sản xuất vũ khí đạn dược không theo kịp nhu cầu của chiến tranh. Quân Nga lâm vào cảnh thiếu súng đạn (Tháng 12/1914, quân đội Nga có 6.553.000 quân, nhưng chỉ có 4.652.000 khẩu súng trường, đạn pháo thì khá thiếu). Mặt khác, tình trạng lạc hậu của nước Nga thời đó ảnh hưởng xấu đến chất lượng quân đội: phần lớn lính Nga bị mù chữ, do vậy khó có thể đào tạo họ sử dụng hiệu quả các loại vũ khí phức tạp trong chiến tranh hiện đại. Đội ngũ sĩ quan Nga thì lại được bổ nhiệm theo kiểu cách quý tộc giống như thế kỷ XIX, nghĩa là dựa vào xuất thân từ gia đình quý tộc hơn là thành tích chiến trường (ví dụ như chú của Nga hoàng được bổ nhiệm tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, dù thực tế ông này là một vị tướng không có tài).
Vì các nguyên nhân trên, cuộc tấn công của Đức diễn ra thuận lợi và thành công lớn: trong Chiến dịch Gorlice-Tarnów phía nam Ba Lan, liên quân Đức - Áo-Hung tấn công như vũ bão, quân Nga thua lớn, mất khoảng 350.000 binh sĩ và phải rút lui trên toàn chiến tuyến[42] Họ thực hiện cuộc đại rút lui: bỏ Galicia, bỏ Ba Lan và sau đó phải bỏ cả một phần vùng Baltic. Thượng tướng August von Mackensen của Đức, với sự giúp đỡ tài tình của Đại tá Hans von Seeckt, đã làm nên chiến thắng lớn, khiến ông được thăng hàm Thống chế.[43] Chiến dịch Gorlice–Tarnów là một trong những chiến thắng lớn nhất của lực lượng Quân đội Đức trong suốt cuộc Đại chiến thứ nhất này.[44] Tuy thắng lợi to lớn, chiếm được một vùng rộng lớn đất đai của Đế quốc Nga nhưng Đức cũng bị tổn thất nhiều (mất 87.000 quân, chưa kể quân Áo-Hung) và vẫn không thể đạt mục tiêu cuối cùng là buộc Nga ra khỏi chiến tranh. Nga hoàng Nikolai II vẫn quyết tâm theo đuổi chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng. Và đến cuối năm 1915 thì binh lực của nước Đức ở phía Đông cũng đã cạn, không thể tấn công thêm nữa. Mặt trận phía Đông đến cuối năm 1915 lại đi vào ổn định của chiến tranh chiến hào.
Tuy thất bại trong mục tiêu loại Nga ra khỏi chiến tranh, quân Đức vẫn chiếm được nhiều vùng lãnh thổ với 23 triệu dân, trong đó có các vùng kinh tế quan trọng của Nga, khiến sản lượng kinh tế của Nga sụt giảm nghiêm trọng. Đây là một nhân tố sẽ góp phần tạo ra cách mạng lật đổ Nga hoàng sau này.
Từ tháng 6 đến cuối tháng 8 năm 1916, quân đội Nga (phương diện quân Tây Nam, tư lệnh Aleksei Alekseevich Brusilov) lại một lần nữa lợi dụng quân Đức đang mải bận đánh trận Verdun bên Pháp tiến hành tấn công thắng lợi lớn tại Galicia, đánh tan tác quân đội Áo – Hung, bắt được hàng trăm ngàn binh sĩ Áo - Hung[46] và thực sự làm quân đội nước này mất khả năng tiến hành các chiến dịch lớn chống lại Entente ba bên. Chiến dịch Brusilov được xem là chiến thắng vẻ vang nhất của quân Nga và phe Hiệp ước trong cuộc chiến. Hơn 1,3 triệu quân Đức, Áo - Hung đã bị tiêu diệt trong chiến dịch này (trong đó hơn 400.000 bị bắt), quân Nga chiếm lại một phần Ukraina và Belarus, khiến Brusilov trở thành người anh hùng của phe Entente trên Mặt trận phía Đông.[46]
Để cứu vãn tình hình mặt trận phía đông, nước Đức lại phải kéo quân từ mặt trận phía Tây về can thiệp và chặn đứng quân Nga. Quân Nga lại phải rút lui nhưng sau đó Đức phải chuyển quân sang phía Tây, hai bên lại đi vào cầm cự trong chiến hào cho đến khi Nga ra khỏi chiến tranh cuối năm 1917 vì sụp đổ trong phong trào cách mạng.
Mặt trận phía Tây 1915 - 1916[sửa | sửa mã nguồn]
Trong các năm 1915, 1916 mặt trận phía Tây đánh nhau cực kỳ quyết liệt nhưng không có nhiều đột biến: các chiến dịch tại Ypres (bắc Bỉ), Champagne và Artois (bắc Pháp) quân hai bên nhiều lần cố gắng chọc thủng phòng tuyến của nhau nhưng đều thất bại. Tại đây đầu tiên là quân Đức đã sử dụng vũ khí hoá học sau đó quân Entente ba bên đáp trả gây chết ngạt rất nhiều cho quân sĩ hai bên. Năm 1916 diễn ra trận Verdun nổi tiếng nhất trong thế chiến này, diễn ra trên đất Pháp (từ 21 tháng 2 đến 18 tháng 12 năm 1916) đây là nỗ lực của Đức tấn công đánh bại quân Pháp chiếm Paris loại Pháp ra khỏi chiến tranh: quân Đức tấn công rất mãnh liệt thành cổ Verdun để hướng về Paris và quân Pháp cố thủ đến cùng, hai bên tranh chấp chiến tuyến vô cùng ác liệt, chết vô số nhưng chiến tuyến chỉ dịch chuyển lên xuống được dưới 10 km. Sau này Verdun vì số lượng thương vong quá lớn được gọi là "cối xay thịt". Quân Pháp kiệt quệ và cả hai phe đều không thể thắng được trận đại chiến Verdun này.[17]
Để phản công giải nguy cho Verdun, tháng 9 năm 1916, quân Anh đã tấn công tại trận sông Somme nhưng cũng không có kết quả rõ rệt. Trận này lần đầu tiên trong lịch sử quân sự thế giới quân Anh đã sử dụng xe tăng tấn công và đã đạt hiệu quả chiến thuật rất cao. Nhưng nỗ lực của liên quân Anh - Pháp coi như thất bại, thương vong của 2 bên trong chiến dịch này còn cao hơn cả trận Verdun[17]
Tại các mặt trận phía Nam 1915 – 1916[sửa | sửa mã nguồn]
Ngày 23 tháng 5 năm 1915 Ý gia nhập khối Đồng minh ba bên (Anh- Pháp- Nga) để chống Áo, 14 tháng 10 năm 1915 Bulgary tham gia vào phe liên minh Đức, Áo để chống Serbia. Mặt trận phía Nam tuy quy mô nhỏ nhưng sôi động hẳn lên.
- Chiến trường Ý – Áo: tháng 5 năm 1915 quân Ý mở chiến dịch Isonzo chống quân Áo nhưng thất bại và bị Áo phản công chiếm Gorizia sau lợi thế nhỏ bé này mặt trận Ý – Áo đi vào ổn định cho đến tận cuối năm 1917.
- Chiến trường Balkans: Chiến thắng vẻ vang của quân Đức trong Chiến dịch Gorlice–Tarnów trên Mặt trận phía Đông tạo điều kiện cho Bulgaria nhảy vào tham chiến.[44] Tại Balkans tháng 10 năm 1915 liên quân Đức – Áo – Bulgaria đánh tan quân Serbia tại Novo Brdo và quân Serbia phải rút lui sâu vào Albania và Hy Lạp. Để cứu nguy cho Serbia và gây áp lực lên Hy Lạp tham gia chống Liên minh Trung tâm, cuối năm 1915 liên quân Anh, Pháp tiến hành chiến dịch đổ bộ lên Salonica của Hy lạp nhưng nước này không tham gia chống Đức, Áo, Bulgaria. Chiến sự tại mặt trận Balkans tại Salonica ổn định, yên tĩnh lạ thường và các bên dường như không muốn đánh nhau cho đến tận cuối chiến tranh. Người ta gọi mặt trận Salonica là "trại tù binh lớn".
- Chiến trường Trung Cận Đông: từ tháng 2 năm 1915 đến tận tháng 1 năm 1916 liên quân Anh, Pháp mở chiến dịch hải quân đổ bộ rất lớn trong lịch sử chiến tranh thế giới – chiến dịch Dardanelles đổ bộ gần 60 vạn quân để chiếm hai eo biển Dardanelles, Bosporus và thủ đô Istanbul để buộc Đế quốc Ottoman ra khỏi chiến tranh. Người anh hùng dân tộc Mustafa Kemal Atatürk đã xuất binh đập tan tác quân Entente, làm thất bại chiến dịch của địch.[47] Nhờ đó, Đế quốc Ottoman vẫn đứng vững và giáng trả hiệu quả, Entente ba bên phải di tản quân về Hy Lạp.
- Chiến trường Kavkaz: Tại Kavkaz quân Nga có lực lượng nhỏ hơn nhưng đã đại thắng quân Ottoman tại trận Sarikamis (từ 29 tháng 12 năm 1914 đến 4 tháng 1 năm 1915) sau đó trong năm 1915, 1916 và cho đến tận cuối năm 1917 khi Nga sụp đổ vì cách mạng, quân Nga tại Kavkaz liên tiếp đánh lui quân Ottoman, tiến lên chiếm xứ nay là Armenia. Vì người Armenia theo Chính thống giáo có cảm tình với Nga nên chính quyền Đế quốc Ottoman đã thi hành chính sách diệt chủng người Armenia làm gần 1 triệu người Armenia chết, có chấn động lớn trong dư luận châu Âu và thế giới về Thế chiến I.
1917 Năm bản lề[sửa | sửa mã nguồn]
Năm này là năm bản lề của chiến tranh: Tại mặt trận phía tây, liên quân chuyển sang tấn công. Chiến tranh tàu ngầm không hạn chế trên biển, Hoa Kỳ tham chiến chống Đức. Cách mạng tại Nga làm nước này rời bỏ chiến tranh.
Quân Anh-Pháp-Nga chuyển sang tấn công[sửa | sửa mã nguồn]
Trong năm 1917 lợi thế đã nghiêng sang phía Anh-Pháp-Nga ba bên, vòng vây trên biển siết chặt kinh tế Đức của Hải quân Hoàng gia Anh đã cho thấy các kết quả. Liên quân Pháp-Anh liên tục mở các cuộc tấn công lớn trên tất cả các mặt trận.
- Chiến trường Trung Cận Đông: quân Anh liên tiếp chiến thắng quân Ottoman và chiếm Baghdad (Iraq) tháng 3 năm 1917 và tổ chức thành công chiến dịch Sinai và chiến dịch Palestine chiếm Jerusalem vào tháng 12 năm 1917.
- Chiến trường Ý – Áo: tại chiến trường này cuối năm 1917 khi cách mạng nổ ra ở Nga, không còn mặt trận phía Đông, quân Đức – Áo được tiếp viện một lực lượng hùng hậu trong đó có các đơn vị xung kích của Đức làm nòng cốt, đã tổ chức chiến dịch Caporetto (26 tháng 10 năm 1917) và đã thắng lợi vang dội tiêu diệt 6 vạn và bắt gần 30 vạn quân Ý. Quân Anh, Pháp phải cứu viện lập phòng tuyến cố thủ tại sông Piave. Và thế trận dừng lại ở đây cho đến hết chiến tranh. Tuy thắng lợi của Đức, Áo tại Caporetto rất to lớn nhưng vai trò thứ yếu của mặt trận Ý – Áo không làm đảo lộn thế chiến lược của chiến tranh và thực lực của phe Trung tâm cũng không cho phép phát triển thành quả.
- Mặt trận phía Tây: Liên quân Anh, Pháp đã nắm quyền chủ động chiến trường, trong năm 1917 tại mặt trận này chỉ có họ tấn công nhưng không thể chọc thủng nổi tuyến phòng thủ rắn chắc của quân Đức. Các cuộc tấn công tại Verdun, Ypres, Cambrai với sử dụng ồ ạt xe tăng đều thất bại. Đặc biệt từ 9 tháng 4 đến 5 tháng 5 năm này quân đội Pháp mở chiến dịch Nivelle (theo tên của Tổng tư lệnh quân đội Pháp Robert Georges Nivelle – người soạn thảo kế hoạch) với số lượng áp đảo gấp 2 lần quân Đức, kết quả: với số thương vong 50 vạn và đã thất bại và ngày nay trận này được gọi là "lò mổ của Nivelle". Đến cuối năm 1917 phòng tuyến Đức tại mặt trận phía Tây vẫn chưa thể phá vỡ nổi.
Chiến tranh tàu ngầm không hạn chế[sửa | sửa mã nguồn]
Sau này nhiều nhà nghiên cứu Anh đã công nhận Anh thực tế đã trên nguy cơ thua trận nếu chiến tranh tàu ngầm của Đức hiệu quả hơn nữa. Ban đầu Đức trông cậy vào hạm đội tàu nổi của mình nhưng hạm đội Đức không thể đua tranh được với hạm đội hùng hậu của Hải quân Hoàng gia Anh nên nhiệm vụ bóp nghẹt kinh tế Anh được giao cho hạm đội tàu ngầm rất nổi tiếng của Đức. Đức chạy đua với thời gian xây dựng lực lượng tàu ngầm và sử dụng chúng hiệu quả để đánh phá tuyến vận tải biển quan trọng sống còn đối với Anh.
Tàu hàng Andex của Anh trúng ngư lôi của tàu ngầm Đức. Để tăng hiệu quả áp lực lên Anh tháng 2 năm 1917 Tổng tham mưu trưởng Đức Erich Ludendorff thuyết phục được Thủ tướng Đức (Chancellor) tuyên bố chiến tranh tàu ngầm không hạn chế chống mọi tàu của mọi quốc tịch chuyên chở tiếp tế cho Anh. Lượng trọng tải tàu bị đánh chìm tăng lên nhanh chóng đạt mức trung bình 500.000 tấn/tháng và đạt đỉnh trong tháng 4 năm 1917 là 860.000 tấn. Nước Anh trước nguy cơ bại trận: tình hình rất nghiêm trọng, đã có nạn đói trong nước. Từ tháng 8 năm 1917 Anh áp dụng chiến thuật vận tải mới là hạm đội áp tải để vô hiệu hoá đòn đánh của tàu ngầm và chiến thuật này là cực kỳ hiệu quả và nước Anh đã thoát hiểm hoạ chết đói. Nhưng để đối phó lại, tàu ngầm Đức áp dụng chiến thuật "nổi lên đánh đêm": hạm đội Anh chỉ hiệu quả chống tàu ngầm khi chúng bị phát hiện dưới mặt nước hoặc bị nổi lên ban ngày. Khi vào ban đêm tàu ngầm Đức nổi lên bơi lẫn vào đoàn tàu vận tải thì Hải quân Anh không biết cách làm thế nào. Đây là chiến thuật rất hiệu quả của Đức và nếu chiến tranh kéo dài chưa biết kết quả sẽ thế nào: Các tàu ngầm Đức luôn theo sát các đoàn convoy của Anh nhưng thay vì tấn công, chúng chờ đến đêm nổi lên bơi lẫn vào đoàn tàu vận tải, áp mạn ở cự ly gần và dùng pháo lần lượt tiêu diệt từng chiếc một. Một thảm hoạ cho hình thức convoy của Anh.
Hoa Kỳ tham chiến[sửa | sửa mã nguồn]
Hoa Kỳ từ đầu thế kỷ XX theo đuổi chính sách không can thiệp và giữ trung lập trong chiến tranh. Nhưng do phần lớn người Mỹ là con cháu của những người Anh di cư sang nên tâm lý nhân dân và chính giới Hoa Kỳ luôn giành tình cảm cho người Anh nên dù vẫn giữ quan hệ với Đức, Hoa Kỳ luôn dành cho Anh những thuận lợi để duy trì chiến tranh.
Ban đầu, Hoa Kỳ không muốn tham gia chiến tranh, họ chỉ muốn đứng ngoài thu lợi từ các hợp đồng xuất khẩu hàng hóa cho các nước tham chiến. Các khoản chi phí quân sự cực lớn của các nước châu Âu đã đem lại lợi nhuận cực kỳ lớn cho các công ty Mỹ (bằng việc bán lương thực, đồ dùng và cho vay nặng lãi đối với các nước tham chiến). Đến năm 1917, xuất khẩu của Mỹ đã tăng 2,5 lần so với mức trước chiến tranh (từ 825 triệu USD lên 2,25 tỷ USD), chủ yếu là nhờ xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu. Giữa năm 1914 và 1917, sản xuất công nghiệp Mỹ tăng 32% và GNP tăng gần 20%, trái ngược hẳn với tình trạng suy thoái trước chiến tranh. Riêng hãng thép Bethlehem Steel đã xuất khẩu 500.000 tấn vỏ thép và 20,1 triệu viên đạn pháo cho Anh và Pháp trong giai đoạn 1914-1917.
Các khoản cho vay từ các tổ chức tài chính Mỹ đến các nước châu Âu cũng gia tăng mạnh trong thời chiến tranh. The House of Morgan cung cấp kinh phí cần thiết cho chiến phí của Anh và Pháp. Từ năm 1914 trở đi, các ngân hàng Morgan ở New York, được chỉ định là đại diện tài chính cho chính phủ Anh, và sau đó đóng một vai trò tương tự đối với Pháp.
Trong khi thế giới tập trung chú ý vào chiến trường châu Âu, Hoa Kỳ ngày càng lo ngại rằng Đức có thể giành chiến thắng. Vào đầu thế kỷ XX, với tham vọng đánh chiếm thuộc địa ngày càng tăng, sự hiện diện của Đức ở Haiti gia tăng. Năm 1915, tổng thống Woodrow Wilson từng phải gửi Thủy quân lục chiến Mỹ tới Haiti, nhằm bảo vệ các tài sản của Mỹ trong khu vực và ngăn chặn một cuộc xâm lược của Đức và lãnh thổ này. Đầu năm 1917, Đế quốc Nga sụp đổ còn Đế quốc Anh thì đang tổn thất nặng do tàu ngầm Đức, chiến sự đảo chiều có lợi cho phe Đức. Nếu Đức chiến thắng trong thế chiến, nước này sẽ là bá chủ châu Âu, và mục tiêu tiếp theo của Đế quốc Đức chắc chắn sẽ là các thuộc địa ở Nam Mỹ, vùng mà Hoa Kỳ vẫn luôn coi là khu vực ảnh hưởng quan trọng nhất của mình. Ngoài ra, 3 tỷ USD (tương đương 50 tỷ USD thời giá 2015) mà Mỹ đã cho Anh, Pháp vay để làm chiến phí sẽ mất trắng. Do đó, Mỹ ngày càng muốn tham gia vào chiến tranh để hỗ trợ cho Anh và Pháp.
Với việc Đức tuyên bố chiến tranh tàu ngầm không hạn chế đánh cả vào tàu Mỹ, lại cộng thêm sự kiện bức điện Zimmermann đã làm dư luận Hoa Kỳ hết kiên nhẫn, họ đòi chính phủ tham chiến chống Đức. Ngày 6 tháng 4 năm 1917 Hoa Kỳ cắt mọi quan hệ và tuyên bố chiến tranh với Đức. Vào cuối năm 1918 khi Đức đầu hàng, lực lượng viễn chinh Hoa Kỳ tại châu Âu chưa thật lớn và Quân đội Hoa Kỳ không đóng vai trò chủ đạo trong việc đánh thắng quân Đức trên chiến trường, nhưng rõ ràng với tiềm lực kinh tế rất lớn của mình giúp cho Entente và các mối ràng buộc chính trị, kinh tế nhất là các khoản cho vay với Đức bị dứt bỏ thì sự tham chiến của Hoa Kỳ là một yếu tố cực mạnh có lợi cho Đồng Minh.
Sau chiến tranh, Hoa Kỳ là nước thu lợi lớn trong khi các nước châu Âu thì tổn hại nghiêm trọng. Hoa Kỳ tổn thất gần 50.000 lính tử trận, con số này rất nhỏ so với tổn thất của các nước Anh, Pháp, Đức, Nga. Các nước châu Âu đều bị tàn phá nặng, trong khi lãnh thổ Hoa Kỳ không bị tổn hại gì, lại còn thu được lợi nhuận khổng lồ từ các hợp đồng xuất khẩu hàng hóa cũng như các khoản bồi thường chiến phí từ các nước bại trận. Ngoài ra, Hoa Kỳ còn chiếm thêm được một số thuộc địa từ tay Đế quốc Đức ở khu vực Thái Bình Dương.
Những nguyên nhân nói trên đã giúp kinh tế Hoa Kỳ vượt qua các nước châu Âu kể từ sau thế chiến 1. Trước chiến tranh, Đế quốc Anh sở hữu hơn một nửa trọng tải tàu biển trên thế giới, trong khi Hoa Kỳ chỉ chiếm 5%, nhưng vào cuối Thế chiến, vị thế đó đã được thay đổi. Nước Anh chỉ còn chiếm không quá 35% trong khi Hoa Kỳ sở hữu 30% trọng tải vận chuyển đường biển trên thế giới. Tương tự như vậy, Hoa Kỳ đã đạt được sự thống trị với thị trường than, điều mà Anh đã đánh mất. Vào cuối cuộc chiến tranh, kinh tế các nước châu Âu tham chiến đều bị "hút máu" đến cạn kiệt và lâm vào nợ nần với chủ nợ là Hoa Kỳ. Gần một nửa số vàng dự trữ của thế giới đã chuyển sang nằm trong tay của Hoa Kỳ, các khoản nợ tích lũy của châu Âu với Mỹ đã lên tới trên 18 tỷ USD (tương đương hơn 300 tỷ USD thời giá 2015).
Cách mạng tại Nga, Nga ra khỏi chiến tranh[sửa | sửa mã nguồn]
Nền kinh tế Nga không chịu nổi sức nặng chiến tranh, dân chúng khốn cùng, thất nghiệp, chết đói... Lại cùng những thất bại nặng nề trước quân Đức trên mặt trận, tất cả những cái đó gây bất mãn cao độ trong nhân dân và quân đội. Quân lính đã quá khổ vì chiến tranh lại căm thù tầng lớp sĩ quan quý tộc, không còn lòng ái quốc ban đầu khi mới chiến đấu. Mâu thuẫn nội bộ của quân đội Nga cũng là quá lớn: thậm chí chiến dịch tấn công của tướng Brusilov tháng 6 năm 1916 chống quân Áo – Hung tại Galicia cũng bị các sĩ quan cao cấp khác ghen ghét, không chịu hợp tác.
Nền kinh tế Đế quốc Nga vốn yếu hơn Đức, Anh, Pháp nên không chịu được cường độ cao của cuộc chiến tranh. Lệnh tổng động viên 10 triệu người tham gia nhập ngũ đã làm cho sản xuất nông nghiệp thiếu nhân lực nghiêm trọng nên ngày càng suy thoái. Từ năm 1916 đến 1917, sản lượng lương thực giảm 20%. Nạn mất mùa, đói kém xảy ra khắp nơi. Sản xuất công nghiệp cũng đình đốn trong chiến tranh nên nạn thất nghiệp tăng nhanh. Nền tài chính nước Nga lâm vào tình trạng khủng hoảng. Từ tháng 8/1914 đến tháng 3/1917, triều đình Nga hoàng đã chi vào cuộc chiến 29,6 tỷ Rupee, cao gấp 3 lần tổng thu quốc khố. Để có tiền chi dùng cho cuộc chiến, triều đình liên tục trưng thu những loại thuế mới và tổ chức bán quốc trái trong nhân dân. Tổng số quốc trái tính từ đầu 1914 là 8,8 tỷ Rupee đã tăng lên 36,6 tỷ Rupee vào năm 1917.
Đến năm 1917, người dân Nga đã quá căm giận nhà cầm quyền và không thể chịu nổi gánh nặng chiến tranh, nhất là khi quân Đức chỉ còn cách Thủ đô hơn 100 km. Mặt khác những người cộng sản Nga (Bolshevik) đã kêu gọi người dân chống chiến tranh đế quốc, "Biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng". Nhân dân và binh sĩ đã không thể chịu nổi và muốn theo Đảng Bolshevik của Lenin tiến hành cách mạng. Đến tháng 3 năm 1917, Cách mạng tháng 2 đã nổ ra, Sa hoàng thoái vị. Đây là bước chuyển để những người Bolshevik thắng lợi hoàn toàn trong Cách mạng tháng Mười Nga. Tuy giữa hai cuộc cách mạng, nước Nga vẫn còn trong khối Đồng minh ba bên nhưng thực tế sau cách mạng tháng 2, quân đội Nga đã tan rã, không còn kỷ luật, quân sĩ tự bỏ ngũ, tự rút lui, có nơi họ còn truy lùng các sĩ quan mà trước đây họ căm thù để xử lý. Mặt trận phía Đông nhanh chóng biến mất, quân Đức nhân đà tan rã của quân Nga nhanh chóng theo chân kéo sâu vào lãnh thổ Nga để ra yêu sách.
Sau cách mạng tháng 10, Lenin đề nghị các bên tham chiến một nền hoà bình ngay lập tức không có chia cắt lãnh thổ, không bồi thường chiến phí, đề nghị này không được ai chấp nhận. Với việc ký kết hoà ước Brest-litovsk riêng rẽ với Đức vào ngày 3 tháng 3 năm 1918, nước Nga Xô Viết ra khỏi chiến tranh với những nhân nhượng rất to lớn: trao cho Đức vùng Ba Lan, Tây Belarus, Ukraina, các tỉnh Baltic, trả bồi thường 6 tỷ mark vàng cho Đức, ngoài ra nước Nga Xô viết không thể đủ lực lượng để ngăn cản phong trào độc lập của Phần Lan nên đã dễ dàng trao trả độc lập cho nước này.
Việc nhân nhượng Đức nằm trong dự tính của Lenin rằng nước Đức sẽ sớm thất bại trong thế chiến 1. Kế hoạch của Lenin thực chất là một biện pháp "câu giờ": ký hòa ước để nước Nga thoát khỏi được chiến tranh và tiết kiệm được xương máu của nhân dân. Đến khi Đế quốc Đức sụp đổ thì hòa ước cũng vô hiệu, nước Nga khi đó cũng chẳng còn phải bồi thường chiến phí nữa.
Nhận định này là chính xác khi chỉ 8 tháng sau, nước Đức bại trận và hoà ước Brest-litovsk trở nên vô hiệu. Sau đó, nước Nga Xô viết đã tiến quân thu hồi lại phía đông Ukraina và Belarus. Nhưng phần tây Ukraina, Tây Belarus đã bị kẻ thù mới là Ba Lan chiếm mất, vùng Berbassia thì bị Romania chiếm mất. Phải đến trước Thế chiến II, Liên Xô mới nhân lúc Đức đang tấn công mặt trận phía Tây, tranh thủ giành lại các vùng Tây Belarus, Tây Ukraina, Berbassia, Baltic và nhập các vùng này vào lãnh thổ Liên Bang Xô viết.
1918: Phe Liên Minh thua trận[sửa | sửa mã nguồn]
Trong năm 1918 Đế chế Đức huy động những nỗ lực tấn công tuyệt vọng cuối cùng nhưng đều thất bại. Khi Đức đã kiệt quệ các nguồn lực, Đồng minh tấn công tổng lực thắng lợi. Nước Đức suy kiệt và cách mạng đã nổ ra. Trong khi đó, quân Áo - Hung đại bại tại Ý, ngọn lửa phong trào dân tộc chủ nghĩa đã bùng cháy ở nhiều miền đất trên khắp Đế quốc Áo - Hung. Vào tháng 10 năm 1918, Đế quốc Áo - Hung sụp đổ.[48] Phe Trung tâm đầu hàng.
Cuộc tấn công mùa xuân của Đức[sửa | sửa mã nguồn]
Mặt trận phía Đông biến mất cho phép Đức có thể tăng một lực lượng quân đội lớn cho mặt trận phía Tây. Bộ Tổng tham mưu Đức trù tính một trận tổng tấn công thắng lợi trước khi quân đội Hoa Kỳ có thể kịp triển khai. Kế hoạch là đánh vào tuyến phân chia của quân Anh và Pháp tại đầu mối đường sắt Amiens (chiến dịch Michael) chiến dịch bắt đầu 21 tháng 3 năm 1918. Khác với mọi chiến dịch tấn công trước đây, lần này quân Đức áp dụng chiến thuật bộ binh xung kích và thành công lớn, tiến nhanh mạnh về phía trước 60 km. Thủ đô Paris bị uy hiếp, thậm chí vua Wilhelm II công bố ngày 24 tháng 3 là ngày hội quốc gia, nhiều người Đức đã thấy thắng lợi đến gần. Tuy nhiên sau những trận đánh ác liệt và với việc quân Mỹ tham chiến, quân Đức đã bị chặn đứng với thương vong trong khoảng tháng ba và tháng tư là gần 30 vạn người.
Tiếp theo chiến dịch Michael quân Đức tuyệt vọng ném thêm quân liên tiếp vào các chiến dịch tiếp theo nhưng đó đã là những nỗ lực ngày càng bất lực (cho dầu họ đạt được chiến thắng vang dội trong trận sông Aisne lần thứ ba[49]), và cuối cùng là cố gắng bao vây Reims vào ngày 15 tháng 7 năm 1918 đó là trận sông Marne lần thứ hai, tại đây liên quân Anh, Pháp phản công thắng lợi. Đến cuối tháng 7 quân Đức lại trở về vị trí ban đầu. Nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng của Đức đã tiêu tan.
Đồng minh tấn công tổng lực thắng lợi[sửa | sửa mã nguồn]
Khi Quân Đức đã rã rời suy kiệt không còn dự bị để phát triển tiến công, liên quân Entente liền huy động tổng phản công trên toàn mặt trận. Đức không còn khả năng chống trả kiên cường như trước đây nữa. Cuộc tấn công của liên quân đã phát triển thắng lợi và được gọi là 100 ngày tấn công: bắt đầu từ 8 tháng 8 bằng trận Amiens, liên quân đồng loạt phối hợp tấn công: với tập đoàn quân của Pháp bên phải, quân Anh bên trái, các quân đoàn Canada và Úc làm mũi nhọn tấn công chính diện với hàng trăm xe tăng và 12 vạn quân đã đánh lui quân Đức hàng chục km. Chiến thắng lớn tại Amiens trở thành công tích hiển hách nhất của Quân đội Anh trong cuộc Đại chiến thứ nhất, và cũng là thắng lợi lớn nhất của phe Entente trên Mặt trận phía Tây kể từ sau trận sông Marne lần thứ nhất.[50] Sau mấy tuần tiến công thắng lợi ngày 21 tháng 8 quân Anh tổ chức trận Sông Somme lần thứ hai đánh lui tập đoàn quân số 2 của Đức về vị trí của phòng tuyến Hindenburg là phòng tuyến bắt đầu chiến tranh. Đến cuối tháng 9 sau các cố gắng bất thành liên quân dừng lại ở tuyến Hindenburg và tại đây sau cách mạng tại Đức, quân Đức đã đầu hàng.
Cách mạng tại Đức[sửa | sửa mã nguồn]
Đức đã hoàn toàn suy kiệt trong chiến tranh. Trong tháng 10 trong nước rối loạn chẳng còn ai còn tin vào ảo tưởng chiến thắng nữa chỉ trừ Tổng chỉ huy Erich Ludendorff và một số tướng lĩnh quân phiệt. Ludendorff cùng Đô đốc Reinhard Scheer trù tính dùng toàn lực hạm đội Đức tổ chức một trận hải chiến mang tính phiêu lưu xông thẳng vào hạm đội đối phương để tỏ rõ vinh quang của hạm đội Đức. Các tướng lĩnh quân phiệt Đức âm mưu không thông báo cho Thủ tướng vì biết rằng hành động này sẽ không được chấp nhận. Tuy nhiên tin tức về cuộc tấn công đã được các thuỷ binh tại hải cảng Kiel biết, họ nổi loạn vì không muốn làm một việc tự sát. Náo loạn và cách mạng bắt đầu từ đây, Hoàng đế Wilhelm II phải cách chức Ludendorff. Chính quyền được trao từ tay giới quân nhân sang cho các chính đảng tại Quốc hội Đức (Reichstag). Ludendorff tuyên bố chính quyền dân sự sẽ làm đất nước thua trận và là "nhát dao đâm vào sau lưng quân đội". Đây là luận điểm của các lực lượng phục thù muốn bào chữa cho thất bại của Đức trong đó có đảng Nazi (Đảng Công nhân Đức quốc gia Xã hội chủ nghĩa hay Đảng Quốc xã) sau này của Adolf Hitler.
Công tước Max von Baden được chỉ định làm thủ tướng và ngay lập tức bắt đầu đàm phán hoà bình. Ngày 9 tháng 11 năm 1918 von Baden tuyên bố nhà vua phải thoái vị, đế quốc Đức sụp đổ, vua Wilhelm II được Hà Lan cho tị nạn chính trị và Cộng hoà Weimar ra đời.
Phe Trung tâm đầu hàng[sửa | sửa mã nguồn]
Bắt đầu từ cuối tháng 9 năm 1918 phe Trung tâm nhanh chóng đầu hàng: đầu tiên là Bulgaria (29 tháng 9), 30 tháng 10 Đế quốc Ottoman đầu hàng, 4 tháng 11 hai nước Áo, Hungary đầu hàng riêng biệt do Đế quốc Áo - Hung của Vương triều Habsburg đã sụp đổ.
Vào ngày 8 tháng 11 năm 1918 phái đoàn Đức đến toa tàu hoả riêng của Thống chế Ferdinand Foch tại cánh rừng Compiegne (Pháp). Khi Foch hỏi họ đến để làm gì, họ nói với ông ta rằng họ muốn nghe những lời thỉnh cầu ngừng bắn của phe Entente. Foch trả lời rằng ông ta không hề có yêu cầu ngừng bắn gì cả. Nhưng rồi, Matthias Erzberger đã buộc Foch phải đọc các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn. Vào ngày 11 tháng 11 năm 1918, cũng chính tại toa tàu hỏa cá nhân của Foch, ngừng bắn được ký kết giữa hai bên.[51]
Ngày 28 tháng 6 năm 1919 các nước thắng trận đã ký hiệp định hoà bình với Đức là Hiệp định Versailles với các hạn chế ngặt nghèo cho sự phát triển sau chiến tranh của Đức (phải đến tháng 10 năm 2010 nước Đức mới hoàn thành xong khoản chiến phí nặng nề cho cuộc chiến này.) Và các hiệp định hoà bình cũng được ký kết giữa phe thắng trận với từng quốc gia thua trận là Áo, Hungary và Bulgaria. Đến năm 1920, phe Entente ký kết Hiệp định Sevres với Sultan Mehmed VI theo đó Đế quốc Ottoman phải chịu vô cùng thiệt thòi.[52] Đây là một đòn giáng nặng nề vào Đế quốc Ottoman.[53] Chiến tranh thế giới thứ nhất đã kết thúc.
Đặc điểm chiến tranh trong thế chiến thứ nhất[sửa | sửa mã nguồn]
Chiến tranh thế giới thứ nhất lần đầu tiên trong lịch sử thế giới là một cuộc chiến tranh hiện đại, tổng lực, toàn diện và có sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, là cuộc chiến tranh với đầy đủ chiến tranh trên bộ, trên không và trên biển. Các nhà nghiên cứu quân sự đánh giá cuộc chiến trên bộ của chiến tranh này là chiến tranh với công nghệ của thế kỷ XX và với tư duy chiến thuật của thế kỷ XIX với phương thức tiến hành chiến tranh lạc hậu đánh nhau thương vong cực kỳ to lớn mà hiệu quả chiến đấu rất thấp. Ngược lại chiến tranh trên biển và trên không mang tính chất rất cách mạng với hình thức chiến tranh khác rất xa với các cuộc chiến tranh trước đây, và sau này được Chiến tranh thế giới thứ hai phát triển lên mức cao hơn.
Chiến tranh trên bộ[sửa | sửa mã nguồn]
Nhìn một cách tổng thể chiến tranh trên bộ của thế chiến thứ nhất là cuộc chiến tranh chiến hào với các tư duy phòng thủ trận địa với chiến thuật tấn công lạc hậu. Với hình thức phòng thủ trong chiến hào có chiều sâu với hệ thống dây thép gai, bãi mìn và các hỏa điểm súng máy cố thủ, phía sau có pháo binh yểm trợ, thì chiến tranh có "sự mất cân đối" rất lớn giữa "tấn công" và "phòng ngự". Quân phòng ngự có thể dễ dàng bẻ gãy các cuộc tấn công của đối phương: các súng máy trong công sự, lô cốt, pháo binh và bãi mìn dây thép gai, gây chết chóc rất lớn cho các cuộc tấn công của kỵ binh và chiến thuật biển người của bộ binh đối phương, và nếu mất tuyến phòng ngự thì cũng có đủ thời gian để có thể nhanh chóng kéo quân dự bị tới lập tuyến mới phía sau. Ngược lại, quân tấn công thường phải chịu hy sinh rất lớn mới có thể đánh chiếm được các tuyến phòng thủ của địch và cũng không có phương tiện và phương cách để phát triển tấn công. Trong năm 1915, quân Đức đã chọc thủng phòng tuyến Nga và tấn công thắng lợi nhưng đó là do sự kém cỏi về xã hội, kinh tế và sự thiếu thốn trang bị của Nga so với Đức. Với các quân đội có trình độ phát triển tương đương như Anh, Pháp, Đức thì sự mất cân đối tấn công – phòng thủ này dẫn đến tình trạng chiến tranh chiến hào lâu dài ổn định không ai dứt điểm nổi ai mà chỉ ép dần đối phương từng tí một (một cuộc tấn công tiến lên được 10 – 20 km đã được coi là thắng lợi). Kết quả chiến tranh phụ thuộc vào sức chịu đựng dẻo dai của các bên đối với sức nặng lâu dài của chiến tranh.
Cũng trong chiến tranh này đã xuất hiện các hình thức chiến thuật để đánh chiếm chiến tuyến địch và phát triển tấn công trên cơ sở vũ khí hiện có và thể hiện sáng chói nhất là chiến thắng vang dội của phương diện quân Tây Nam của Nga dưới sự chỉ huy của tướng Aleksey Alekseyevich Brusilov tại Galicia tháng 6 năm 1916 chống quân Áo – Hung: với một quân đội Nga yếu kém, lạc hậu, mất tinh thần sau trận thảm bại năm 1915, nhưng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, quân Nga đã chọc thủng chiến tuyến Áo – Hung và tấn công ồ ạt trên diện rộng đánh bại quân đội Áo – Hung. Tuy nhiên sau khi rút kinh nghiệm, quân phòng thủ cũng đã khắc chế được các chiến thuật mới này và hình thức chiến tranh chiến hào vẫn là chủ đạo và bất biến.
Chỉ đến khi xe tăng xuất hiện vào cuối năm 1916 và phát triển thì hình thức chiến tranh chiến hào này mới bắt đầu lỏng lẻo, nhưng sự hạn chế về tính năng của những cỗ xe tăng trong thời kỳ này khiến nó vẫn chưa đủ sức bẻ gãy hệ thống chiến hào. Phải đến Chiến tranh thế giới thứ hai, hệ thống chiến hào mới tỏ rõ sự bất lực trước sức tấn công cơ động của xe thiết giáp, và cuộc chiến tranh chiến hào cuối cùng trên thế giới là cuộc Chiến tranh Triều Tiên.
Chiến tranh trên biển, trên không[sửa | sửa mã nguồn]
Chiến tranh trên biển của thế chiến thứ nhất diễn ra rất quyết liệt và được gọi là trận chiến Đại Tây Dương lần thứ nhất nó mang tính chất hoàn toàn mới so với các cuộc chiến tranh trên biển trước đây: Cuộc chiến này báo hiệu chấm dứt thời đại các trận hải chiến lớn của các armada cổ điển (hạm đội mặt nước). Việc bao vây kinh tế đánh phá giao thông trên biển được thực hiện một cách hiệu quả hơn bằng phương tiện chiến tranh rất mới là tàu ngầm. Và trong cuộc chiến này tuy lực lượng Hải quân Đức còn thua xa Hải quân Hoàng gia Anh nhưng lực lượng tàu ngầm Đức khi đó với kỹ thuật hiện đại đã làm rất tốt công việc đánh phá vận tải biển của Anh, đã có lúc làm phát sinh nạn đói ở nước này.
Thời gian đầu chiến tranh các tàu vận tải của Anh đi tự do không có bảo vệ nên bị tàu ngầm Đức đánh đắm rất nhiều dưới hình thức "săn mồi tự do". Để hạn chế thiệt hại do tàu ngầm, Anh đã áp dụng biện pháp "convoy" (đoàn hộ tống): các tàu vận tải đi theo đoàn lớn dưới sự bảo vệ bên ngoài của tàu chiến. Biện pháp này ban đầu rất hiệu quả vì khi đó tàu ngầm còn rất thô sơ mang được ít ngư lôi và ngư lôi chất lượng không cao hay bắn trượt, nên tàu ngầm thường chỉ bắn ngư lôi vào tàu chiến đối phương, còn để tiêu diệt tàu vận tải thì bằng cách nổi lên dùng pháo bắn. Với sự bảo vệ của đoàn tàu chiến trong convoy thì việc này không thực hiện được nữa. Sau đó tàu ngầm Đức đổi chiến thuật: các tàu ngầm đi thành bầy lớn khi phát hiện đoàn convoy thì thay vì tấn công chúng bám theo chờ trời tối thì nổi lên bơi lẫn vào đoàn convoy và lần lượt hạ thủ các tàu vận tải, chiến thuật này về sau vẫn áp dụng cho cả Thế chiến II... Việc đánh vận tải và đảm bảo vận tải diễn ra quyết liệt và rất năng động từ hai phía. Để tăng cường sức ép lên nước Anh, Đức đã hai lần tuyên bố chiến tranh tàu ngầm không hạn chế không chấp nhận trung lập của bất kỳ tàu của quốc gia nào, tàu ngầm Đức bắn cả vào tàu Mỹ chở hàng cho Anh là nguyên nhân để Hoa Kỳ tham gia chiến tranh chống Đức.
Trong Thế chiến I lần đầu tiên xuất hiện một loại binh chủng mới là không quân tác chiến trên trời. Vì là loại hình mới trang bị còn rất thô sơ nên chiến tranh trên không chưa có ý nghĩa lớn và chưa thể gây được tác động lớn đến kết quả chiến tranh. Tuy nhiên nó cũng đã có các hình thức chiến đấu mà ngay sau chiến tranh được các bên tích cực phát triển đó là không chiến của các máy bay cánh cố định đánh nhau; tấn công mặt đất của máy bay đối với lực lượng mặt đất; ném bom tầm xa với các zapperlin, trinh sát bởi máy bay hoặc khinh khí cầu.
Các vũ khí mới[sửa | sửa mã nguồn]
Chiến tranh thế giới thứ nhất đã cho thấy các thứ vũ khí mới với hiệu quả huỷ diệt rất mạnh.
- Vũ khí hoá học là đặc sản của Thế chiến I: lần đầu tiên loài người sử dụng vũ khí hoá học nhân tạo một cách ồ ạt và quy mô lớn với các dạng hoá chất độc khác nhau từ loại ít nguy hiểm nhất là hơi cay hay chất làm chảy nước mắt đến loại khí nguy hiểm hơn nhưng không chết người chỉ loại khỏi vòng chiến như hơi mù tạc, Yprit (gây lở loét da và lấy tên theo địa điểm diễn ra trận tấn công hoá học là Ypres) và cao hơn nữa là hơi ngạt clo và các chất gây tử vong khác như phosgene. Để chống lại vũ khí hoá học các bên đã sử dụng phương tiện rất hiệu quả là mặt nạ phòng độc. Vào cuối kỳ chiến tranh việc sử dụng vũ khí hoá học giảm hẳn vì các bên sợ leo thang rất nguy hiểm của loại vũ khí này và việc dùng chúng nhiều khi phản tác dụng (gió đổi chiều thì tự hại quân mình) vì thời kỳ đó việc phát tán tác nhân hoá học còn thô sơ chủ yếu dựa vào gió.
- Súng máy: là loại vũ khí tuy ra đời từ trước thế chiến nhưng trong thế chiến đã thể hiện rõ uy lực của mình và làm thay đổi chiến thuật chiến đấu. Do trình độ kỹ thuật khi đó còn chưa cao con người mới chỉ có thể chế tạo súng máy bắn nhanh có kích thước to nên nó không phải là vũ khí cá nhân mà bố trí cố định để phòng thủ, trong khi đó quân bộ binh tấn công vẫn dùng súng trường lên quy lát bắn phát một, đó cũng là một nguyên nhân gây nên sự mất cân đối tấn công - phòng thủ. Súng máy đặt trong công sự dễ dàng vô hiệu hoá các cuộc tấn công bằng bộ binh "làn sóng người" và các cuộc tấn công của kỵ binh. Chính với sự phát triển của súng máy mà kỵ binh hết thời và ngày càng suy giảm.
- Đạn pháo phá mảnh: Để chống lại làn sóng bộ binh tấn công các bên áp dụng đạn pháo phá mảnh để tăng tính sát thương, chính số lượng chết trận nhiều nhất của quân sĩ là do pháo binh với đạn pháo phá mảnh. Với sự áp dụng của pháo binh bắn nhanh, đạn pháo phá mảnh uy lực huỷ diệt lớn cộng với hoả lực súng máy đã làm chấm dứt chiến thuật đội hình ô vuông và làm phát sinh đội hình tản mát của bộ binh và kéo theo các thay đổi khác của tác chiến trên bộ.
- Máy bay: đây là cuộc chiến tranh có sự tham gia đông đảo đầu tiên của máy bay, do máy bay đang ở giai đoạn đầu phát triển còn rất thô sơ nhưng nó đã có các hành động chiến đấu rất hiệu quả và sau này được các bên nhận thấy các tiềm năng phát triển rất lớn. Trong đại chiến máy bay làm các nhiệm vụ không chiến (đánh nhau với máy bay địch), tấn công mặt đất, trinh sát, liên lạc.
- Tàu ngầm: đây là vũ khí có hiệu quả nhất của Thế chiến I. Với tàu ngầm thì một hạm đội yếu có thể chống lại một hạm đội mạnh một cách hiệu quả. Một sự đầu tư nhỏ hơn (vào tàu ngầm) mang lại hiệu quả lớn hơn nhiều khi xây dựng các hạm tàu mặt nước lớn. Điều đó giải thích tại sao Hải quân Đức dồn sức xây dựng lực lượng tàu ngầm U-boat của mình trong cả Thế chiến I và Thế chiến II. Thời gian này tàu ngầm còn rất thô sơ hoạt động nổi là chủ yếu, chỉ lặn xuống khi gặp tàu chiến đối phương và vũ khí ngư lôi mang theo cũng không nhiều, độ chính xác kém, thường tàu ngầm chỉ dùng ngư lôi để bắn tàu chiến đối phương khi đang lặn, còn đối với tàu vận tải thì nó nổi lên dùng pháo để bắn chìm. Với sự nguy hiểm của tàu ngầm đã diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt giữa phá giao thông và bảo vệ giao thông trên biển cũng như giữa tàu ngầm và tàu săn ngầm với các thiết bị thuỷ âm phát hiện tàu ngầm. Trong thế chiến này lực lượng tàu ngầm của Đức đã đánh chìm một lượng lớn tải trọng tàu vận tải của Anh và làm kinh tế Anh lao đao, nhưng đồng thời nó cũng bị thiệt hại rất nặng nề.
- Xe tăng: đây là vũ khí ra đời trong thế chiến để khắc phục sự mất cân đối giữa tấn công và phòng ngự tuy xe tăng còn rất thô sơ thiếu độ tin cậy nhưng đã chứng minh được tiềm năng phát triển của mình và các bên đua nhau chế tạo xe tăng. Từ trận đầu tham chiến vào tháng 9 năm 1916 tại trận Sông Somme đến năm 1917 phía Entente có trận Cambrai đã huy động hơn 400 xe tăng để tấn công. Tuy nhiên xe tăng trong thế chiến I vì các tính năng còn yếu kém của mình mới chỉ được sử dụng như phương tiện yểm trợ bộ binh để đánh chiến tuyến của địch, chỉ đến Chiến tranh thế giới thứ hai xe tăng mới phát huy hết tính năng tấn công cơ động thọc sâu của nó.
Ảnh hưởng kinh tế, địa - chính trị[sửa | sửa mã nguồn]
- Chiến tranh thế giới thứ nhất để lại rất nhiều hậu quả trước mắt và lâu dài. Cuộc chiến làm hơn mười triệu người chết và hàng chục triệu người khác bị tàn phế, các thành phố, làng mạc, đường sá, cầu cống, nhà máy bị phá hủy. Số tiền các nước tham chiến chi phí cho chiến tranh lên tới khoảng 85 tỉ đôla. Ngoài sức mạnh tàn phá nhân mạng, kinh tế, vật chất, nó còn gây hãi hùng lâu dài về tâm lý cho cả châu Âu gây ra một thế hệ bị mất mát của châu Âu. Chính cuộc chiến này làm cho châu Âu tụt hậu và mất đi vai trò lãnh đạo văn minh nhân loại mà nó đã đảm đương trong hơn 300 năm qua và dần dần vai trò đó chuyển sang bên kia đại dương cho Hoa Kỳ.
- Chiến tranh gây ra sự thay đổi rất lớn trong bản đồ chính trị châu Âu. Cuộc chiến dẫn đến sự sụp đổ của bốn đế quốc Nga (1917), Đức (1918), Áo - Hung (1918), Ottoman (1923) với các triều đình quân chủ hàng trăm năm bị suy đổ trong đó hai cường quốc Áo - Hung và Ottoman bị phân rã và mất hẳn vai trò cường quốc. Hai đế quốc Đức, Nga bị cắt xén lãnh thổ và bị kiềm chế với tình cảm dân tộc nước lớn bị tổn thương sâu sắc và đó là đất đai rất tốt cho tư tưởng phục thù để dẫn đến một thế chiến mới. Rất nhiều các nước nhỏ xuất hiện từ sự phân rã của các đế quốc và từ sự phân chia mang tính chủ quan, quan liêu của các cường quốc thắng trận dẫn đến các mâu thuẫn lộn xộn gây mất ổn định thế giới sau này.
- Chiến tranh này cho thấy rõ mâu thuẫn ghê gớm của hệ thống thuộc địa một nguyên nhân của đại chiến thế giới, tuy rằng sau chiến tranh nó còn tiếp tục tồn tại theo quán tính nhưng sau Thế chiến II, nó bị tất cả các nước, cả thuộc địa và cả một số chủ thuộc địa cùng tìm cách phá bỏ.
- Chiến tranh thế giới thứ nhất cũng ngay lập tức đem lại những thay đổi về hệ thống chính trị tại các nước châu Âu. Tại Đức, nền quân chủ bị lật đổ, Cộng hòa Weimar ra đời. Tuy nhiên nền cộng hòa này cũng sớm đối mặt liên tục với những khó khăn chồng chất về kinh tế và xã hội, và tồn tại được 15 năm trước khi Adolf Hitler lên nắm quyền. Một trong những ảnh hưởng lâu dài nhất của Chiến tranh thế giới thứ nhất là sự ra đời của Liên Bang Xô Viết. Chiến tranh đã làm cho người dân Nga lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn. Hoàn cảnh này đã đẩy Nga vào cuộc Cách mạng tháng Mười với sự thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản. Điều đó khiến cho các nước phương Tây vô cùng lo sợ và đề phòng sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản, làm nảy sinh những mối nghi ngờ liên tục lẫn nhau giữa các nước này và Liên Xô gần như suốt cả thế kỷ XX. Thế chiến I kết thúc cũng là sự mở màn cho thế lực phát xít lên ngôi tại nhiều nước trong bối cảnh xã hội bất ổn như tại Ý và Đức. Như vậy châu Âu sau cuộc chiến đã có sự chia rẽ rõ rệt về mặt chính trị giữa các thế lực cộng sản, phát xít và phương Tây, tạo bệ phóng cho một cuộc thế chiến mới.
Ảnh hưởng tâm lý - xã hội[sửa | sửa mã nguồn]
Chiến tranh đồng thời gây ra các xu hướng tâm lý - xã hội đối nghịch:
- Một mặt trước đây rất nhiều tầng lớp người châu Âu bị cuốn theo tình cảm dân tộc chủ nghĩa và sau chiến tranh họ nhận thức ra được kết quả mà chủ nghĩa dân tộc quá đáng có thể mang lại nên họ bắt đầu định hướng lại theo một tinh thần mới với tinh thần chủ nghĩa quốc tế và xu hướng hoà bình chủ nghĩa, nhân đạo chủ nghĩa. Sau chiến tranh, thế giới đã tổ chức ra Hội Quốc Liên và phong trào hoà bình nảy nở mạnh ra trên khắp toàn cầu đó là các thể hiện của xu thế này.
- Mặt khác có một xu hướng hoàn toàn đối nghịch hẳn lại: Đó là sự thất vọng vào các giá trị nhân văn của loài người và phát sinh tâm lý tôn sùng sức mạnh, tôn sùng bạo lực với sự tin tưởng rằng chỉ có sức mạnh và sự cứng rắn mới là chỗ dựa đáng tin cậy trong thời đại bất ổn này. Đây là cơ sở để nảy nở tâm lý thô bạo và chủ nghĩa hư vô, hoài nghi, tâm lý này là đất đai rất tươi tốt cho chủ nghĩa quân phiệt và chủ nghĩa phát xít và các xu hướng cực đoan nảy nở và bám rễ trong xã hội sau chiến tranh. Sau khi Triều đình Ottoman phải ký Hiệp định Sevres, ngọn lửa dân tôc chủ nghĩa đã bùng cháy, với cuộc Chiến tranh Giải phóng Dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ do Chính phủ đối lập của lãnh tụ Mustafa Kemal Atatürk phát động tại Ankara, nhằm phản đối việc Sultan Mehmed VI ký kết Hiệp định Sevres và đánh đuổi quân Entente (lần này bao gồm Anh, Pháp, Ý, Hy Lạp). Lợi dụng quân Entente còn quá mỏi mệt với cuộc Đại chiến vừa qua, phe dân tộc chủ nghĩa Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức tiến công đánh tan tác quân Entente, buộc địch phải ký Hiệp định Lausanne (1923). Với Hiệp định này, Đế quốc Ottoman sụp đổ, Sultan Mehmed VI thoái vị, và nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ ra đời vào tháng 10 năm 1923.[53][54][55][56]
- Chiến tranh cũng đồng thời gây ra cảm giác đây là kết thúc của "thế giới cũ" là kết thúc của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc. Trên nền tảng đó các phong trào cộng sản và phong trào chủ nghĩa xã hội nảy nở và phát triển rất mạnh mẽ ở châu Âu và trên thế giới.
Những bài học chính trị của Chiến tranh thế giới thứ nhất[sửa | sửa mã nguồn]
“ | Về công nghiệp và thương mại, Đức đã chiến thắng cuộc chiến tranh. Những công xưởng của họ vẫn còn nguyên, những khoản nợ chiến tranh của họ chỉ nằm trong nước và sẽ được thanh toán dễ dàng bằng việc vận động hành chính... | ” |
— Georges Benjamin Clemenceau[19] |
- Chiến tranh thế giới cho thấy, trong điều kiện của các mối quan hệ chặt chẽ của thế giới, của công nghệ cao, quy mô toàn cầu, với độ tàn phá khủng khiếp của chiến tranh thì "không ai có thể có lợi trong chiến tranh nếu nó nổ ra, thậm chí là chiến tranh khu vực". Đối với Đế quốc Anh, cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất là một chiến thắng kiểu Pyrros của họ. Họ gặp khó khăn trong việc duy trì Đế chế rộng lớn của họ kể từ sau cuộc chiến kinh hoàng này.[57] Pháp còn thể hiện chiến thắng kiểu Pyrros rõ ràng hơn Anh Quốc. Nhờ có cao trào Cách mạng Nga năm 1917, Pháp không thể liên minh với nước Nga được nữa.[58] Người Đức đã đập phá tan tành những trung tâm công nghiệp của Pháp và chinh phạt được đủ đất đai để có thể thực hiện phần lớn chiến lược về cuối cuộc Đại chiến.[59] Cả Anh Quốc và Pháp đều chỉ có thể chấm dứt cuộc chiến nhờ sự đổ bộ của quân Mỹ.[60] Cuộc chiến tranh chứng tỏ rằng nước Đức mạnh hơn Pháp, do đó Pháp không thể nào một mình thắng Đức.[61] Bị khánh kiệt, nhiều người Pháp sau cuộc Đại chiến thường cho rằng "chúng ta không thể làm nên một trận Verdun nữa".[62] Thủ tướng Pháp Clemenceau cũng thừa nhận rằng trong vài năm tới, nước Đức sẽ bỏ xa Pháp về công nghiệp, thương mại và tài chính.[63] Với những lợi thế này, sau chiến tranh nước Đức phát triển bỏ xa Pháp và tạo điều kiện cho Đức một lần nữa lên tranh hùng tranh bá.[3][64] Giữa thập niên năm 1920, nhiều người Pháp tin chắc rằng nước này sẽ một lần nữa bị người Đức tiến công.[15] Cho đến năm 1939, mọi việc đã chứng tỏ chiến thắng kiểu Pyrros của các nước Entente dẫn đến sự suy yếu của bọn họ.[65]Chiến thắng kiểu Pyrros của Pháp trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất kế tiếp đại bại thê thảm của Pháp trong cuộc chiến tranh chống Phổ (1870 - 1871), và được kế tiếp bởi đại bại tả tơi của quân Pháp trước các chiến binh tinh nhuệ Đức vào năm 1940 và trước những cao trào đấu tranh giành độc lập của các dân tộc thuộc địa (như vào năm 1954 tại Việt Nam và 1962 tại Algérie). Và, như đã nói, không lâu sau cuộc Đại chiến, vào năm 1923, các nước Anh, Pháp, Ý, Hy Lạp đều phải chịu thất bại trong cuộc Chiến tranh Giải phóng Dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ.[66][67] Những chiến bại thê thảm ấy cũng là vì sự nhừ đòn và tổn hại khủng khiếp của Pháp trong cuộc Đại chiến 1914 - 1918 này.[15][68]
- Thế giới đã đi vào giai đoạn phát triển kinh tế, văn hoá, chính trị có trình độ cao, ở mức trình độ đó thế giới không thể còn chỗ cho chủ nghĩa đế quốc và các loại chủ nghĩa nước lớn trắng trợn. Với các quan hệ quốc tế chặt chẽ và quyền lợi đan xen thì chủ nghĩa ích kỷ ở phạm vi quốc gia và quốc tế tất yếu dẫn đến xung đột đối kháng, và chiến tranh thì đều thiệt hại cho tất cả các bên. Tư duy đế quốc chủ nghĩa phải bị loại trừ ra khỏi các quan hệ quốc tế, nảy sinh loại tư duy mới là "cùng tồn tại hoà bình, thoả hiệp các lợi ích trên cơ sở các bên cùng có lợi". Chính vì vậy ngay sau Thế chiến I các nước đã đồng lòng tổ chức ra Hội Quốc Liên với mục tiêu để điều hoà các quan hệ quốc tế trên cơ sở các bên cùng chấp nhận được.
- Hệ thống thuộc địa như nguyên nhân của mâu thuẫn phải bị loại bỏ, bắt đầu từ Thế chiến I hệ thống thuộc địa thế giới bắt đầu lỏng lẻo và đến sau Thế chiến II thì diễn ra quá trình phi thực dân hoá ồ ạt với sự cổ vũ và chấp nhận của nhiều cường quốc thế giới.
- Một bài học rất to lớn của Thế chiến I và II cho thấy: "Yếu tố dân tộc quốc gia là có động lực rất lớn và các quyền lợi chính đáng của nó phải được tôn trọng". Tình hình quốc tế không thể yên nếu dựa trên cơ sở không tôn trọng tình cảm, quyền lợi chính đáng của quốc gia, dân tộc. Một dân tộc bị dồn vào thế cùng đường sẽ phản ứng rất mãnh liệt gây hậu hoạ cho hoà bình thế giới. Một ví dụ rất điển hình: sự kiềm chế kìm hãm càng chặt chẽ đối với Đức sau Thế chiến I chỉ càng thúc đẩy chủ nghĩa phục thù với sự tìm kiếm các phương sách càng quyết liệt, cực đoan hơn của Hitler và cuối cùng là với các kết quả thảm khốc đối với người kìm hãm. Sau Thế chiến II Hoa Kỳ như một thế lực lãnh đạo thế giới đã nhận thức được vấn đề này nên trong chương trình tái thiết sau chiến tranh đã giúp đỡ cả các nước kẻ thù thua trận: Đức, Ý, Nhật để các nước này vươn lên không ở vị thế buộc phải lao tiếp vào chủ nghĩa phục thù.
- Và một bài học cuối đúc rút từ các bài học trên "Vấn đề chiến tranh và hoà bình là vấn đề chung của cả thế giới". Một khi chiến tranh nổ ra nó dễ dàng kéo cả thế giới vào cuộc. Với hậu quả quá khốc liệt của chiến tranh loài người phải nhận thức được sự cần thiết "cần ngăn chặn nó trước khi quá muộn" đó phải là nỗ lực chung của tất cả các nước.
Hiện nay, tuy đã có rất nhiều cuộc chiến tranh khu vực nổ ra và đã có lúc thế giới bên bờ vực chiến tranh, nhưng về cơ bản hoà bình thế giới vẫn được giữ vững và chưa thấy có triệu chứng của một đại chiến mới điều đó cho thấy ít nhiều thì nhân loại cũng đã rút được các bài học chính trị của hai cuộc đại chiến, đã biết hoá giải các mâu thuẫn bằng hoà bình, và chí ít thì đó cũng là một đóng góp của Chiến tranh thế giới thứ nhất (và thứ hai) vào tri thức nhân loại.
- ^ a ă â b Spencer Tucker, Priscilla Mary Roberts, World War I: encyclopedia, Tập 1, trang 123
- ^ a ă Michael J. Romano, CliffsAP European History, trang 161
- ^ a ă â Barry R. Posen, The sources of military doctrine: France, Britain, and Germany between the world wars, trang 109
- ^ a ă Tucker & Roberts 2005, tr. 273
- ^ Con số đối với Đế quốc Anh
- ^ Con số đối với chính quốc Pháp và các thuộc địa
- ^ David Fraser, The Grenadier Guards, trang 22
- ^ Spencer Tucker, Priscilla Mary Roberts, World War I: encyclopedia, Tập 1, trang 1175
- ^ Nigel Thomas, Dušan Babac, Armies in the Balkans 1914-18, các trang 3-4.
- ^ Nigel Thomas, Dušan Babac, Armies in the Balkans 1914-18, trang 19
- ^ Samuel Lyman Atwood Marshall, World War I, các trang 51-58.
- ^ Keegan 1988, tr. 8
- ^ Bade & Brown 2003, tr. 167–168
- ^ Karl-Heinz Frieser, John T. Greenwood, The Blitzkrieg legend: the 1940 campaign in the West, trang 320
- ^ a ă â Michael Adas, Essays on Twentieth-Century History, trang 188
- ^ Spencer E. Ante, Creative capital: Georges Doriot and the birth of venture capital, trang 28
- ^ a ă â Sir Alistair Horne, The Price of Glory: Verdun 1916, các trang 328-331.
- ^ Richard Evans, Disasters That Changed Australia, trang 29
- ^ a ă Conan Fischer, Europe Between Democracy and Dictatorship: 1900 - 1945, trang 109
- ^ Patrick Howarth, Intelligence chief extraordinary: the life of the ninth Duke of Portland, trang 42
- ^ Michael Graham Fry, Erik Goldstein,Richard Langhorne, Guide to International Relations and Diplomacy, trang 146
- ^ Sparknotes Chiến tranh thế giới lần thứ nhất
- ^ “The war to end all wars”. BBC. Ngày 10 tháng 11 năm 1998. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2015.
- ^ Keegan 1988, tr. 11
- ^ Dennis E. Showalter, Tannenberg: Clash of Empires 1914, trang 1
- ^ Jonathan Martin Kolkey, Germany on the march: a reinterpretation of war and domestic politics over the past two centuries, trang 190
- ^ Heinrich August Winkler, Germany: the long road west, Tập 2, trang 304
- ^ Jackson J. Spielvogel, Western Civilization: Since 1500
- ^ Henry William Elson, Modern times and the living past, trang 657
- ^ Spencer Tucker, Priscilla Mary Roberts, World War I: encyclopedia, Tập 1, trang 113
- ^ Marc Ferro, Nicholas II: last of the tsars, trang 160
- ^ a ă Giles MacDonogh, The Last Kaiser: The Life of Wilhelm II, trang 435
- ^ Ronald Pawly, The Kaiser's warlords: German commanders of World War I, trang 45
- ^ Dennis E. Showalter, Tannenberg: Clash of Empires 1914, trang 2
- ^ Vũ Dương Ninh & Nguyễn Văn Hồng 1998, tr. 290
- ^ Lỗi chú thích: Thẻ
<ref>
sai; không có nội dung trong thẻ ref có tênlichsu1900-45 144
- ^ Geoffrey Parker 2006, tr. 342
- ^ Elite 078 - Trench Warfare WWI 1914-1916 Nhà xuất bản Osprey tr 17
- ^ Jonathan Martin Kolkey, Germany on the march: a reinterpretation of war and domestic politics over the past two centuries, trang 98
- ^ Anne Commire, Historic World Leaders: Europe (A-K), trang 462
- ^ Spencer Tucker, Priscilla Mary Roberts, World War I: encyclopedia, Tập 1, trang 778
- ^ Richard L. DiNardo, Breakthrough: The Gorlice-Tarnow Campaign, 1915, (2010), p. 99
- ^ Ronald Pawly, The Kaiser's warlords: German commanders of World War I, trang 52
- ^ a ă Matthias Strohn, The German Army and the Defence of the Reich: Military Doctrine and the Conduct of the Defensive Battle 1918-1939, trang 90
- ^ a ă David R. Shermer, World War I, các trang 141-142.
- ^ J. M. Winter, Blaine Baggett, The Great War and the shaping of the 20th century, trang 112
- ^ Carl Cavanagh Hodge, Encyclopedia of the Age of Imperialism, 1800-1914: A-K, trang 308
- ^ Ronald Pawly, The Kaiser's warlords: German commanders of World War I, trang 53
- ^ David R. Shermer, World War I, trang 209
- ^ Leonard V. Smith, Stéphane Audoin-Rouzeau, Annette Becker, France and the Great War, 1914-1918, trang 157
- ^ David W. Del Testa, Florence Lemoine, John Strickland, Government leaders, military rulers, and political activists, trang 12
- ^ a ă Spencer Tucker, Priscilla Mary Roberts, World War I: encyclopedia, Tập 1, trang 779
- ^ B.V. Rao, History Of Modern Europe (1789-1992), trang 201
- ^ Gerd Nonneman, Analyzing Middle East foreign policies and the relationship with Europe, trang 220
- ^ Spencer Tucker, Priscilla Mary Roberts, World War I: encyclopedia, Tập 1, trang 878
- ^ Adolf Hitler, Secret conversations, 1941-1944, trang 42
- ^ Kenneth Mouré, Martin S. Alexander, Crisis and renewal in France, 1918-1962, trang 96
- ^ Hew Strachan, The First World War: To arms, trang 163
- ^ Henri F. Ellenberger, The discovery of the unconscious: the history and evolution of dynamic psychiatry, trang 826
- ^ Wladyslaw Wszebor Kulski, De Gaulle and the world: the foreign policy of the Fifth French Republic, trang 262
- ^ Richard Mayne, Douglas Johnson, Robert Tombs, Cross Channel currents: 100 years of the Entente Cordiale, trang 68
- ^ Arno J. Mayer, Politics and diplomacy of peacemaking: containment and counterrevolution at Versailles, 1918-1919, trang 647
- ^ Thomas B. Buell, John N. Bradley, Thomas E. Griess, Jack W. Dice, John H. Bradley, The Second World War: Europe and the Mediterranean, trang 31
- ^ Frank Field, Three French writers and the Great War: Studies in the rise of communism and fascism, trang 2
- ^ Christopher Houston, Islam, Kurds and the Turkish nation state, trang 126
- ^ Ivar Spector, The Soviet Union and the Muslim world, 1917-1958, trang 82
- ^ Anne Sa'adah, Contemporary France: a democratic education, trang 39
- American Armies and Battlefields in Europe: A History, Guide, and Reference Book, U.S. Government Printing Office, 1938, OCLC 59803706
- Army Art of World War I, U.S. Army Center of Military History: Smithsonian Institution, National Museum of American History, 1993, OCLC 28608539
- Asghar, Syed Birjees (ngày 12 tháng 6 năm 2005), A Famous Uprising, Dawn Group, truy cập ngày 2 tháng 11 năm 2007
- Ashworth, Tony (2000), Trench warfare, 1914-18: the live and let live system, London: Pan, ISBN 0330480685, OCLC 247360122
- Bade, Klaus J; Brown, Allison (tr.) (2003), Migration in European History, The making of Europe, Oxford: Blackwell, ISBN 0631189394, OCLC 52695573 (translated from the German)
- Balakian, Peter (2004), The Burning Tigris: The Armenian Genocide and America's Response, New York: HarperCollins, ISBN 0060558709, OCLC 56822108
- Bass, Gary Jonathan (2002), Stay the Hand of Vengeance: The Politics of War Crimes Tribunals, Princeton, New Jersey: Princeton University Press, tr. 424pp, ISBN 0691092788, OCLC 248021790
- Blair, Dale (2005), No Quarter: Unlawful Killing and Surrender in the Australian War Experience, 1915-1918, Charnwood, Australia: Ginninderra Press, ISBN 1740272919, OCLC 62514621
- Blumberg, Arnold biên tập (1995), Great Leaders, Great Tyrants?, Westport, Connecticut: Greenwood Press, ISBN 0313287511, OCLC 30400598
- Brands, Henry William (1997), T. R.: The Last Romantic, New York: Basic Books, ISBN 0465069584, OCLC 36954615
- Cecil, Lamar (1996), Wilhelm II: Emperor and Exile, 1900-1941 II, Chapel Hill, North Carolina: University of North Carolina Press, tr. 176, ISBN 0807822833, OCLC 186744003
- Chickering, Rodger (2004), Imperial Germany and the Great War, 1914-1918, Cambridge: Cambridge University Press, ISBN 0521839084, OCLC 55523473
- Clark, Charles Upson (1927), Bessarabia, Russia and Roumania on the Black Sea, New York: Dodd, Mead, OCLC 150789848
- Coffman, Edward M (1998), The War to End All Wars: The American Military Experience in World War I, Lexington, Kentucky: University Press of Kentucky, ISBN 0813109558, OCLC 38842092
- Cook, Tim (2006), “The politics of surrender: Canadian soldiers and the killing of prisoners in the First World War”, The Journal of Military History 70 (3): 637–665, doi:10.1353/jmh.2006.0158
- Cornish, Nik; Karachtchouk, Andrei (ill.) (2001), The Russian Army 1914-18, Men-at-Arms, Oxford: Osprey Publishing, tr. 48, ISBN 1841763039, OCLC 248331622
- Coulthard-Clark, Christopher D (2001), The Encyclopaedia of Australia's Battles, Crows Nest, New South Wales: Allen & Unwin, tr. 320pp, ISBN 1865086347, OCLC 48793439
- Cruttwell, Charles Robert Mowbray Fraser (2007), A History of the Great War, 1914–1918, Chicago: Academy Chicago Publishers, ISBN 0897333152 general military history
- Dignan, Don K (tháng 2 năm 1971), “The Hindu Conspiracy in Anglo-American Relations during World War I.”, The Pacific Historical Review (University of California Press) 40 (1): 57–76, ISSN 0030-8684
- Duffy, Michael, Somme, First World War.com, truy cập 25 tháng 2 năm 2007
- Dupuy, Trevor Nevitt (1979), Numbers, Predictions and War, Indianapolis: Bobbs-Merrill, ISBN 0672521318, OCLC 4037624
- Eksteins, Modris (1989), Rites of Spring: The Great War and the Birth of the Modern Age, London: Bantam, ISBN 0593018621, OCLC 19455240 an analysis of cultural changes before, during, and after the war
- Ellis, John; Cox, Michael (2001), The World War I Databook: The Essential Facts and Figures for All the Combatants, London: Aurum, ISBN 1854107666, OCLC 46506978
- Esposito, Vincent J (1997), 1900–1918, The West Point Atlas of American Wars II, New York: Henry Holt, ISBN 0805053050, OCLC 39644150 despite the title covers entire war
- Evans, David (2004), The First World War, Teach yourself, London: Hodder Arnold, ISBN 0340884894, OCLC 224332259
- Evans, Leslie (27 tháng 5 năm 2005), Future of Iraq, Israel-Palestine Conflict, and Central Asia Weighed at International Conference, UCLA International Institute, truy cập ngày 30 tháng 12 năm 2008
- Falls, Cyril Bentham (1959), The Great War, New York: Putnam, ISBN 0399501002, OCLC 8664179 general military history
- Ferguson, Niall (1999), The Pity of War, New York: Basic Books, tr. 563pp, ISBN 046505711X, OCLC 41124439
- Ferguson, Niall (2006), The War of the World: Twentieth-Century Conflict and the Descent of the West, New York: Penguin Press, ISBN 1594201005
- Fischer, Fritz (1967), Germany's Aims in the First World War, New York: Norton, OCLC 1558559 (original German title "Griff nach der Weltmacht: Die Kriegzielpolitik des kaiserlichen Deutschland 1914/18")
- Fischer, Fritz; Jackson, Marian (1975), War of Illusions: German Policies From 1911 to 1914, New York: Norton, OCLC 221830012 (original German title "Krieg der Illusionen die deutsche Politik von 1911 - 1914")
- Fortescue, Granville Roland (28 tháng 10 năm 1915), London in Gloom over Gallipoli; Captain Fortescue in Book and Ashmead-Bartlett in Lecture Declare Campaign Lost. Say Allies Can't Advance; Attack on Allied Diplomacy in Correspondent's Doleful Talk Passed by Censor, New York Times
- Fraser, Thomas G (tháng 4 năm 1977), “Germany and Indian Revolution, 1914-18”, Journal of Contemporary History (Sage Publications) 12 (2): 255–272, ISSN 0022-0094, doi:10.1177/002200947701200203
- Fromkin, David (2001), A Peace to End All Peace: The Fall of the Ottoman Empire and the Creation of the Modern Middle East, New York: Owl Books, tr. 119, ISBN 0805068848, OCLC 53814831
- Fromkin, David (2004), Europe's Last Summer: Who Started the Great War in 1914?, New York: Alfred A. Knopf, ISBN 0375411569, OCLC 53937943
- Fussell, Paul (1975), The Great War and Modern Memory, New York: Oxford University Press, ISBN 0195019180, OCLC 1631561 on literature
- Gelvin, James L (2005), The Israel-Palestine Conflict: One Hundred Years of War, Cambridge: Cambridge University Press, ISBN 0521852897, OCLC 59879560
- Gilbert, Martin (2004), The First World War: A Complete History, Clearwater, Florida: Owl Books, tr. 306, ISBN 0805076174, OCLC 34792651
- Gray, Edwyn A (1994), The U-Boat War, 1914–1918, London: L Cooper, ISBN 0850524059, OCLC 59816503
- Green, John Frederick Norman (1938), “Obituary: Albert Ernest Kitson”, Geological Society Quarterly Journal (Geological Society) 94
- Haber, LF (1986), The Poisonous Cloud: Chemical Warfare in the First World War, Oxford: Clarendon, ISBN 0198581424, OCLC 12051072
- Halpern, Paul G (1995), A Naval History of World War I, New York: Routledge, ISBN 1857284984, OCLC 60281302
- Harrach, Franz, “Archduke Franz Ferdinand's Assassination, 28 tháng 6 năm 1914: Memoir of Count Franz von Harrach”, Primary Documents (First World War.com)
- Hardach, Gerd (1977), The First World War 1914–1918, London: Allen Lane, ISBN 0713910240, OCLC 3174153 economics
- Heller, Charles E (1984), Chemical warfare in World War I: the American experience, 1917-1918, Fort Leavenworth, Kansas: Combat Studies Institute, OCLC 123244486
- Henig, Ruth Beatrice (2002), The Origins of the First World War, Lancaster Pamphlets (ấn bản 3), London: Routledge, ISBN 0415262054, OCLC 59470456
- Herbert, Edwin (2003), Small Wars and Skirmishes 1902-1918: Early Twentieth-century Colonial Campaigns in Africa, Asia and the Americas, Nottingham: Foundry Books Publications, ISBN 1901543056
- Herrmann, David G (1996), The Arming of Europe and the Making of the First World War, Princeton, New Jersey: Princeton University Press, ISBN 0691033749, OCLC 32509928
- Herwig, Holger H (1996), The First World War: Germany and Austria-Hungary 1914–1918, London: Arnold, ISBN 0340573481, OCLC 60154404
- Heyman, Neil M (1997), World War I, Guides to historic events of the twentieth century, Westport, Connecticut: Greenwood Press, ISBN 0313298807, OCLC 36292837
- Hickey, Michael (2003), The Mediterranean Front 1914-1923, The First World War 4, New York: Routledge, tr. 60–65, ISBN 0415968445, OCLC 52375688
- Higham, Robin DS; Showalter, Dennis E biên tập (2003), Researching World War I: A Handbook, Westport, Connecticut: Greenwood Press, ISBN 031328850X, OCLC 51922814, historiography, stressing military themes
- Hinterhoff, Eugene (1984), Young, Peter, biên tập, “The Campaign in Armenia”, Marshall Cavendish Illustrated Encyclopedia of World War I (New York: Marshall Cavendish) ii, ISBN 0863071813
- Hooker, Richard (1996), The Ottomans, truy cập ngày 30 tháng 12 năm 2008
- Hoover, Herbert; Wilson, Woodrow (1958), Ordeal of Woodrow Wilson, New York: McGraw-Hill, OCLC 254607345
- Howard, Michael Eliot (2002), The First World War, Oxford: Oxford University Press, tr. 175, ISBN 0192853627, OCLC 59376613, general military history
- Hubatsch, Walther; Backus, Oswald P (1963), Germany and the Central Powers in the World War, 1914–1918, Lawrence, Kansas: University of Kansas, OCLC 250441891
- Hughes, Thomas L (tháng 10 năm 2002), “The German Mission to Afghanistan, 1915-1916”, German Studies Review (German Studies Association) 25 (3): 447–476, ISSN 0149-7952, doi:10.2307/1432596
- Hull, Cordell; Berding, Andrew Henry Thomas (1948), The Memoirs of Cordell Hull 1, New York: Macmillan, tr. 81, OCLC 228774232
- Isaac, Jad; Hosh, Leonardo (7-9 tháng 5 năm 1992), Roots of the Water Conflict in the Middle East, University of Waterloo
- Isenberg, Michael Thomas (1981), War on Film: The American Cinema and World War I, 1914-1941, Fairleigh Dickinson University Press, ISBN 0838620043, OCLC 5726236
- Johnson, James Edgar (2001), Full Circle: The Story of Air Fighting, London: Cassell, ISBN 0304358606, OCLC 45991828
- Joll, James (1984), The Origins of the First World War, London: Longman, ISBN 0582490162, OCLC 9852205
- Jones, Howard (2001), Crucible of Power: A History of U. S. Foreign Relations Since 1897, Wilmington, Delaware: Scholarly Resources Books, ISBN 0842029184, OCLC 46640675
- Kaplan, Robert D. (tháng 2 năm 1993), “Syria: Identity Crisis”, The Atlantic, truy cập ngày 30 tháng 12 năm 2008
- Karp, Walter (1979), The Politics of War (ấn bản 1), ISBN 006012265X, OCLC 4593327, Wilson's maneuvering U.S. into war
- Keegan, John (1998), The First World War, Hutchinson, ISBN 0091801788, general military history
- Keene, Jennifer D (2006), World War I, Westport, Connecticut: Greenwood Press, tr. 5, ISBN 0313331812, OCLC 70883191
- Kennedy, David M (1982), Over Here: The First World War and American Society, Oxford: Oxford University Press, ISBN 0195032098, OCLC 9906841, covers politics & economics & society
- Kennett, Lee B (1992), The First Air War, 1914–1918, New York: Free Press, ISBN 0029173019, OCLC 22113898
- Keynes, John Maynard (1920), The Economic Consequences of the Peace, New York: Harcourt, Brace and Howe, OCLC 213487540
- Kitchen, Martin (2000), Europe Between the Wars, New York: Longman, ISBN 0582418690, OCLC 247285240
- Knobler, Stacey L biên tập (2005), The Threat of Pandemic Influenza: Are We Ready? Workshop Summary, Washington DC: National Academies Press, ISBN 0309095042, OCLC 57422232
- Lee, Dwight Erwin biên tập (1953), The Outbreak of the First World War: Who Was Responsible?, Boston: Heath, tr. 74pp, OCLC 8824589, readings from multiple points of view
- Lehmann, Hartmut; van der Veer, Peter biên tập (1999), Nation and religion: perspectives on Europe and Asia, Princeton, New Jersey: Princeton University Press, ISBN 0691012326, OCLC 39727826
- Lewy, Guenter (2005), The Armenian Massacres in Ottoman Turkey: A Disputed Genocide, Salt Lake City, Utah: University of Utah Press, ISBN 0874808499, OCLC 61262401
- Lyons, Michael J (1999), World War I: A Short History (ấn bản 2), Prentice Hall, ISBN 0130205516
- Ludendorff, Erich (1919), My War Memories, 1914-1918, OCLC 60104290 also published by Harper as "Ludendorff's Own Story, August 1914-November 1918: The Great War from the Siege of Liege to the Signing of the Armistice as Viewed from the Grand Headquarters of the German Army" OCLC 561160
- Marsden, William Edward (2001), The School Textbook: Geography, History, and Social Studies, London: Routledge, tr. 177, ISBN 0713040432, OCLC 46836724
- Maurice, Frederick Barton (18 tháng 8 năm 1918), “Foe's reserves now only 16 divisions; Allies' Counteroffensive has reduced them from 60, Gen. Maurice says Ludendorff in dilemma; he must choose between giving up offensive projects and shortening his line”, New York Times
- Millett, Allan Reed; Murray, Williamson (1988), Military Effectiveness, Boston: Allen Unwin, ISBN 0044450532, OCLC 220072268
- Moon, John Ellis van Courtland (tháng 7 năm 1996), “United States Chemical Warfare Policy in World War II: A Captive of Coalition Policy?”, The Journal of Military History 60 (3): 495–511, doi:10.2307/2944522
- Morton, Desmond; Granatstein, Jack L (1989), Marching to Armageddon: Canadians and the Great War 1914–1919, ISBN 0886192099, OCLC 21449019
- Morton, Desmond (1992), Silent Battle: Canadian Prisoners of War in Germany, 1914-1919, Toronto: Lester Pub, ISBN 1895555175, OCLC 29565680
- Mosier, John (2001), “Germany and the Development of Combined Arms Tactics”, Myth of the Great War: How the Germans Won the Battles and How the Americans Saved the Allies, New York: Harper Collins, ISBN 0060196769
- Muller, Jerry Z (March/April 2008), “Us and Them - The Enduring Power of Ethnic Nationalism”, Foreign Affairs, truy cập ngày 30 tháng 12 năm 2008
- Neiberg, Michael S (2005), Fighting the Great War: A Global History, Cambridge, Mass: Harvard University Press, ISBN 0674016963, OCLC 56592292
- Nicholson, Gerald WL (1962), Canadian Expeditionary Force, 1914-1919: Official History of the Canadian Army in the First World War (ấn bản 1), Ottawa: Queens Printer and Controller of Stationary, OCLC 2317262
- Phillimore, George Grenville; Bellot, Hugh HL (1919), “Treatment of Prisoners of War”, Transactions of the Grotius Society 5: 47–64, OCLC 43267276
- Pitt, Barrie (2003), 1918: The Last Act, Barnsley: Pen and Sword, ISBN 0850529743, OCLC 56468232
- Pope, Stephen; Wheal, Elizabeth-Anne biên tập (1995), The Macmillan Dictionary of the First World War, ISBN 033361822X, OCLC 60238536
- Price, Alfred (1980), Aircraft versus Submarine: the Evolution of the Anti-submarine Aircraft, 1912 to 1980, London: Jane's Publishing, ISBN 0710600089, OCLC 10324173 Deals with technical developments, including the first dipping hydrophones
- Robbins, Keith (1993), The First World War, New York: Oxford University Press, ISBN 0192891499, OCLC 26402515, short overview
- Ross, Stewart Halsey (1996), Propaganda for War: How the United States was Conditioned to Fight the Great War of 1914-1918, Jefferson, North Carolina: McFarland, ISBN 0786401117, OCLC 185807544
- Gilpin, Robert (1989), Rotberg, Robert I; Rabb, Theodore K, biên tập, The Origin and Prevention of Major Wars, Cambridge: Cambridge University Press, tr. 225, ISBN 0521379555, OCLC 123169187
- Salibi, Kamal Suleiman (1993), “How it all began - A concise history of Lebanon”, A House of Many Mansions - the history of Lebanon reconsidered, I.B. Tauris, ISBN 1850430918, OCLC 224705916
- Shapiro, Fred R; Epstein, Joseph (2006), The Yale Book of Quotations, Yale University Press, ISBN 0300107986
- Silkin, Jon biên tập (1996), The Penguin Book of First World War Poetry (ấn bản 2), New York: Penguin, ISBN 0141180099, OCLC 37105631
- Singh, Jaspal, History of the Ghadar Movement, panjab.org.uk, truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2007
- Sisemore, James D (2003), The Russo-Japanese War, Lessons Not Learned, U.S. Army Command and General Staff College
- Snyder, Jack L (1984), Ideology of the Offensive, Ithaca: Cornell University Press, ISBN 0801416574
- Southgate, Troy, The Fischer Controversy
- Speed, Richard B., III (1990), Prisoners, Diplomats and the Great War: A Study in the Diplomacy of Captivity, New York: Greenwood Press, ISBN 0313267294, OCLC 20694547
- Stevenson, David (1996), Armaments and the Coming of War: Europe, 1904-1914, New York: Oxford University Press, ISBN 0198202083, OCLC 33079190
- Stevenson, David (2004), Cataclysm: The First World War As Political Tragedy, New York: Basic Books, tr. 560pp, ISBN 0465081843, OCLC 54001282, major reinterpretation
- Stevenson, David (2005), The First World War and International Politics, Oxford: Clarendon, OCLC 248297941
- Stokesbury, James (1981), A Short History of World War I, New York: Morrow, ISBN 0688001289
- Strachan, Hew (2004), The First World War: Volume I: To Arms, New York: Viking, ISBN 0670032956, OCLC 53075929: the major scholarly synthesis. Thorough coverage of 1914
- Taylor, AJP (1963), The First World War: An Illustrated History, Hamish Hamilton, OCLC 2054370
- Taylor, John M (Summer 2007), “Audacious Cruise of the Emden”, The Quarterly Journal of Military History 19 (4): 38–47, ISSN 0899-3718, doi:10.1353/jmh.2007.0331
- Terraine, John (1963), Ordeal of Victory, Philadelphia: Lippincott, tr. 508pp, OCLC 1345833
- Tuchman, Barbara Wertheim (1962), The Guns of August, New York: Macmillan, OCLC 192333, tells of the opening diplomatic and military manoeuvres
- Tuchman, Barbara Wertheim (1966), The Zimmerman Telegram (ấn bản 2), New York: Macmillan, ISBN 0026203200, OCLC 233392415
- Tucker, Spencer (1999), European Powers in the First World War: An Encyclopedia, ISBN 081533351X, OCLC 40417794
- Tucker, Spencer C (2005), Encyclopedia of World War I. A Political, Social and Military History, Santa Barbara: ABC-Clio, ISBN 1851094202
- van der Vat, Dan (1988), The Atlantic Campaign, London: Grafton, ISBN 0586206957 Connects submarine and antisubmarine operations between wars, and suggests a continuous war
- Venzon, Anne Cipriano; Miles, Paul L biên tập (1995), The United States in the First World War: An Encyclopedia, Taylor & Francis, ISBN 0824070550
- von der Porten, Edward P (1969), German Navy in World War II, New York: T. Y. Crowell, OCLC 164543865
- Westwell, Ian (2004), World War I Day by Day, St. Paul, Minnesota: MBI Pub., tr. 192pp, ISBN 0760319375, OCLC 57533366
- Wiggin, Addision (29 tháng 11 năm 2006), [www.dailyreckoning.com.au/bretton-woods-agreement/2006/11/29/ “Bretton Woods agreement”], The Daily Reckoning (Port Phillip Publishing)
- Wilgus, William John (1931), Transporting the A. E. F. in Western Europe, 1917–1919, New York: Columbia University Press, OCLC 1161730
- Winter, Denis (1982), The First of the Few: Fighter Pilots of the First World War, Allen Lane, tr. 223pp, ISBN 0713912782
- Winter, Jay M (2005), The Experience of World War I (ấn bản 2), Oxford University Press, ISBN 0195207769, topical essays; well illustrated
- Zieger, Robert H (2001), America's Great War: World War I and the American experience, Lanham, Maryland: Rowman & Littlefield, tr. 50, ISBN 0847696456
- “Country Briefings: Israel”, The Economist, 28 tháng 7 năm 2005, truy cập ngày 30 tháng 12 năm 2008
- Israeli Foreign Ministry, Ottoman Rule, Jewish Virtual Library, truy cập ngày 30 tháng 12 năm 2008
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét